Thủ tướng Trung Quốc thăm Indonesia và Nhật Bản: Một chuyến đi, nhiều mục đích

08-05-2018 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Indonesia và bắt đầu thăm chính thức Nhật bản. Chuyến thăm Indonesia và Nhật bản lần này của ông Lý Khắc Cường được cho là nhắm tới nhiều mục đích, trong đó có việc tìm kiếm sự ủng hộ của Jakarta đối với sáng kiến “Vành đai, con đường”. Còn đối với Nhật bản, nhằm cải thiện quan hệ song phương vốn đã rất lạnh nhạt.

Về lý thuyết, chuyến thăm Indonesia và tiếp đó là Nhật bản của ông Lý Khắc Cường nhằm triển khai chính sách đối ngoại  cuả Trung Quốc. Tuy nhiên, trước thềm chuyến thăm Indonesia, dư luận nhận định mục đích chính của ông Lý Khắc Cường nhằm thảo luận với các nhà lãnh đạo Jakarta về các vấn đề liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và dự án xây dựng tuyến đường sắt Jakarta-Bandung và các biện pháp tăng cường quan hệ thương mại song phương giữa Trung Quốc và Indonesia.

Chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường tới Indonesia là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Lý Khắc Cường tái nhậm chức Thủ tướng Trung Quốc kể từ hồi tháng 3/2018.  Không chỉ là một trong những quốc gia có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Indonesia còn có vị trí địa lý quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đồng thời có vị thế và uy tín trong khối ASEAN. Do đó, việc tăng cường quan hệ với Indonesia sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng triển khai hơn Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang bị đánh giá là gặp nhiều khó khăn.

Indonesia được cho là “nhân chứng” của sáng kiến “Vành đai, con đường” khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đề cập tới chiến lược này trong bài phát biểu trước Quốc hội Indonesia vào  năm 2013.  Sở dĩ, Trung Quốc chọn Indonesia để “giới thiệ” sáng kiến này cũng có nhiều lý do của nó. Thứ nhất, sáng kiến “Vành đai, con đường” được cho là phù hợp với tham vọng của Tổng thống Idonesia. Thứ hai, đầu tư và viện trợ của Trung Quốc “rót” cho Indonesia trong các dự án cơ sở hạ tầng, từ cầu, đường tới đường sắt cao tốc sẽ là tiền đề rất tốt cho “Vành đai, Con đường”. Năm 2017, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba ở Indonesia với số vốn đầu tư lên đến 3,4 tỷ USD. Vì thế, trong chuyến thăm Indonesia lần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề nghị Indonesia tăng tốc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Thủ đô Jakarta với thành phố Bandung, một trong những dự án trọng điểm của hai nước.

Thủ tướng Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Trung quốc Lý Khắc Cường ngày 7/5.


Theo kế hoạch, sau khi kết thúc chuyến thăm Indonesia, hôm qua (8/5), ông Lý Khắc Cường đã lên đường thăm chính thức Nhật Bản tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Nhật bản-Trung quốc – Hàn quốc khai mạc hôm nay (9/5). Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Nhật bản-Trung quốc – Hàn quốc lần thứ 7 này là Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ba nước kể từ năm 2015 đến nay.

Với vị thế và tiềm lực của mình, cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Nhật bản-Trung quốc – Hàn quốc đã thu hút được sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận. Nhiều nội dung dự đoán sẽ được thảo luận tại Hội nghị lần này như ba bên sẽ thảo luận các biện pháp nhằm đẩy nhanh đàm phán xây dựng Thỏa thuận thương mại tự do FTA Trung – Nhật - Hàn, quan hệ song phương giữa từng nước và đặc biệt là vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Giới phân tích nhận định trong bối cảnh tiến trình đàm phán 6 bên gồm các nước Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang bị đình trệ và chưa có triển vọng tái khởi động, việc Bình Nhưỡng chuyển phương thức tiếp cận từ ngoại giao đa phương sang ngoại giao song phương và trực tiếp với Mỹ và Hàn Quốc đã khiến cho Trung Quốc lo ngại về khả năng bị gạt “ra rìa” trong vấn đề Triều Tiên. Do đó, chuyến thăm Nhật bản lần này được đánh giá là động thái tích cực của Trung Quốc  nhằm cải thiện quan hệ với Nhật bản. Từ đóc “xốc” lại vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Nhật bản và Triều Tiên. Ngoài ra, việc thu hút được Nhật Bản tham gia vào các mô hình hợp tác kinh tế đa phương và tự do thương mại đa phương do Trung Quốc khởi xướng như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và sáng kiến "Vành đai và con đường" sẽ là nhân tố quan trọng để Bắc Kinh có thể thúc đẩy thành công chiến lược kinh tế của mình.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn