Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh về mở rộng đối tượng vay vốn gói 15.000 tỷ đồng .
Theo công văn 1042/TTg-KTTH ngày 4/11/2022, đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) chất vấn Thủ tướng: Nghị quyết 11 gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, gói 15.000 tỷ cho công nhân vay mua nhà qua Ngân hàng Chính sách. Như vậy, chỉ trong 1 Nghị quyết 11 đã có 2 hỗ trợ mà đích và người thụ hưởng là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công nhân lao động.
Tuy nhiên, cả 2 gói hỗ trợ này đang giải ngân thấp do doanh nghiệp thì vướng, công nhân thì không có nhu cầu nhiều.
Trong khi đó, số lượng công nhân lao động lại có nhu cầu thuê nhà do người dân bỏ tiền xây, nhu cầu rất lớn (Theo số liệu thống kê cả nước có khoảng trên 100.000 hộ gia đình, cá nhân xây nhà cho công nhân thuê, riêng Bắc Ninh có gần 8.000). Tuy nhiên, trong Nghị quyết 11 tại điểm c, Mục 2 lại không có đối tượng này.
Đề nghị Chính phủ mở rộng đối tượng được vay vốn gói 15.000 tỷ cho đối tượng tại điểm c, khoản 1, Điều 15 của Nghị định 100/2015/NĐ-CP góp phần hỗ trợ sinh kế cho người dân mất ruộng, nâng cao chất lượng phòng trọ và hạ giá thành thuê.
Về nội dung chất vấn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ trả lời:
Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đã quy định các chính sách hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng cụ thể.
Theo đó, có 2 chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, cụ thể:
Chính sách thứ nhất hỗ trợ cho cá nhân vay (ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội) để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Điều kiện, thủ tục cho vay thực hiện theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội thì đến ngày 31/10/2022 đã giải ngân được 3.017 tỷ đồng trong gói 15.000 tỷ đồng cho 8.379 khách hàng và không phát sinh vướng mắc.
Chính sách thứ hai hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng (thông qua hệ thống ngân hàng thương mại) cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, phục hồi và cho vay để cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Triển khai nội dung cho vay, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên cổng thông tin điện tử với số lượng 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô: 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào vay vốn.
Từ kết quả giải ngân cho vay vốn nhà ở xã hội nêu trên và thực tế nhu cầu thuê nhà của công nhân thì đề nghị của Đại biểu về bổ sung thêm đối tượng là hộ gia đình, cá nhân vay vốn để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê là rất đáng quan tâm.
Như đã báo cáo nêu trên, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã quy định cụ thể đối tượng được hưởng chính sách vay vốn nhà ở xã hội. Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ ban hành để triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Do vậy, việc bổ sung thêm đối tượng vay vốn nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 là thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ xin ghi nhận ý kiến của đại biểu để chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, đánh giá để báo cáo, đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.