Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Chỉ thị số 15, 16.
Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, nhân dân cả nước đã chấp hành tốt các Chỉ thị trên nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên không được chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới.
Không được chủ quan “say sưa với chiến thắng bước đầu”
Thủ tướng nhận xét, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ít hơn, số ca công bố khỏi bệnh ngày càng nhiều hơn.
Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm của các lực lượng Quân đội, y, bác sỹ, Công an- những người ở tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Thủ tướng đánh giá cao kết quả công tác triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng, cách ly xã hội mạnh mẽ, thay đổi nếp sống của người dân để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Cùng với đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt, “nhường cơm sẻ áo” hỗ trợ những người tuyến đầu chống dịch trong mọi tầng lớp xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp Ảnh: Chinhphu.vn
Những hành động đẹp đó đã đem lại nhiều ý nghĩa to lớn, lan tỏa tinh thần đoàn kết, “anh em, đồng chí” của đồng bào, chiến sỹ cả nước chung tay chống dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Nhấn mạnh đến yêu cầu không được chủ quan, “say sưa với chiến thắng bước đầu”, Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh vẫn trong giai đoạn nguy hiểm và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với sự bùng phát ở giai đoạn 2 của dịch bệnh. Do đó, để bảo tồn những kết quả đã đạt được, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đều thống nhất phải tiếp tục thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội.
Cần tìm cho được những ca F0; truy tìm mọi dấu vết 2 ổ dịch
“Chiến lược phòng, chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch theo phương pháp “khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong”; tích cực chữa trị cho những người mắc bệnh.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến 15/4, cả hệ thống chính trị, các địa phương, ngành y tế và các đơn vị liên quan cần nắm chắc tình hình, chuẩn bị nhanh các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng đề nghị cần tìm cho được những ca F0; truy tìm mọi dấu vết 2 ổ dịch TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; các siêu thị, phương tiện công cộng...tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm cao.
Thủ tướng đề nghị cần chuẩn bị tốt phương án bệnh viện dã chiến để không bị động trong mọi tình huống. Ban Chỉ đạo cần tập tăng cường năng lực y tế cho các địa phương; hỗ trợ tăng cường công nghệ kiểm soát dịch bệnh.
Thủ tướng một lần nữa chỉ đạo cần thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội, không để dịch lây lan trong cộng đồng; cho rằng, nếu làm tốt việc này sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam. Đi liền với đó, các địa phương có dịch xuất hiện cần tăng cường đầu tư đẩy mạnh xét nghiệm cho người dân; thực hiện nghiêm ngăn ngừa lây nhiễm cho các đối tượng công nhân, giám sát việc tuân thủ phòng, chống dịch cho các cơ sở sản xuất.
Về vấn đề máy thở, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có một chương trình sản xuất máy thở; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này. Đến thời điểm này 2 đơn vị rất nhiệt tình là Tập đoàn Vingroup và một cơ sở sản xuất ở Bình Dương. Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất máy thở.
Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác toàn cầu trong phòng chống dịch
Thủ tướng nêu rõ, báo chí truyền thông phải trở thành kênh đào tạo cho người dân những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình và gia đình mình. Báo chí cũng cần phản ánh những giá trị ưu việt của chế độ ta, giá trị nhân văn của xã hội ta trong những tình huống khẩn cấp bảo vệ người dân. “Nhân đây tôi cũng nhấn mạnh một ý, phóng viên cũng là những người trong tuyến đầu chống dịch, nhất là những phóng viên chiến trường, các cơ quan báo chí, cơ quan y tế phải quan tâm tạo điều kiện bảo vệ anh em không bị phơi nhiễm dịch”.
Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác toàn cầu trong phòng chống dịch, các quốc gia có dịch COVID-19 đều khó khăn, cho nên sự giúp đỡ nhau lúc này rất có ý nghĩa. Việt Nam có thể xuất khẩu khẩu trang vải, xuất khẩu gạo có kiểm soát, phổ biến các phần mềm chống dịch cho các nước có nhu cầu. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao để thúc đẩy xuất khẩu, hợp tác với các nước có nhu cầu trong thời điểm hiện nay.
Thủ tướng chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 Ảnh:Chinhphu.vn
Những tiến bộ trong chống dịch đang diễn ra từng ngày. Các kinh nghiệm tốt, nghiên cứu mới, công nghệ mới, xét nghiệm mới, thuốc mới, tiến bộ mới trong điều chế vắc xin... chúng ta phải biết tận dụng. Cần thành lập một bộ phận chuyên gia ở Bộ Y tế để theo dõi, phân tích thông tin, đề xuất Ban chỉ đạo và Chính phủ về vấn đề này.
Thủ tướng lưu ý Bộ Ngoại giao, các cơ quan có liên quan cần có kế hoạch sớm nhất đón các công dân Việt Nam còn mắc kẹt ở một số sân bay về nước.
Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần chống dịch nhưng cũng cần chống doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc, cần quan tâm đến người nghèo, người khó khăn. Chúng ta cần phải biết được khó khăn của người dân bằng nhiều kênh, nhiều cách khác nhau để có sự hỗ trợ kịp thời.
Thủ tướng nhấn mạnh, đại dịch mang đến nhiều thiệt hại, nhất là về kinh tế, việc làm nhưng cũng có những cơ hội, cần tập trung khai thác, đó là đổi mới phương thức hoạt động, những ngành công nghiệp và dịch vụ mới, có thể đó là những quyết định mạnh mẽ cho những vấn đề mà bấy lâu nay ta đang cân nhắc, có thể là những thay đổi lành mạnh hơn trong lối sống, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.
Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị tích cực triển khai mạnh mẽ các giải pháp đến ngày 15/4. Phụ thuộc vào tình hình thực tế, Chính phủ sẽ có chủ trương về vấn đề cách ly xã hội. Trên cơ sở tình hình cụ thể dịch bệnh, các cơ quan liên quan có đề xuất cụ thể với Thủ tướng.
Bên cạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Thủ tướng cũng lưu ý việc chuẩn bị chương trình toàn diện phục hồi kinh tế.