Thủ tướng Thái Lan lâm vào ngõ cụt?

04-04-2014 01:41 | Quốc tế

SKĐS - Phe đối lập đã không từ một lý do nào để hạ gục Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Trong diễn biến mới nhất, phe đối lập đã tố giác bà hai vấn đề.

Phe đối lập đã không từ một lý do nào để hạ gục Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Trong diễn biến mới nhất, phe đối lập đã tố giác bà hai vấn đề. Thứ nhất đơn kiện cho rằng bà Yingluck vi phạm hiến pháp qua việc cách chức một thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia vào năm 2011 vì lý do mà họ cho là lý do chính trị. Tiếp đó, bà Yingluck cũng là trọng tâm của một cuộc điều tra của Ủy ban quốc gia Chống tham nhũng về vai trò của bà trong chương trình trợ giá lúa gạo đã làm cho Chính phủ thất thoát nhiều tỉ đô-la.

Thủ tướng Thái Lan đang bị đẩy vào tình thế bất lợi.

Thủ tướng Thái Lan đang bị đẩy vào tình thế bất lợi.

Nếu bị xét có tội trong hai vụ kiện đó, bà Yingluck có thể sẽ bị loại ra khỏi chức vụ hiện nay. Chính phủ của bà cũng đã chật vật đối phó với một làn sóng biểu tình chống Chính phủ kể từ tháng 11. Trong 2 năm qua, Chính phủ Thái Lan đã trả hơn 20 tỉ đô-la cho nông dân và những nhà máy xay lúa trong khuôn khổ của chương trình thu mua lúa gạo với giá cao hơn 50% giá quốc tế. Các nhà phân tích nói rằng, chương trình này có nhiều cáo giác tham nhũng và những hợp đồng giả giữa Chính phủ với Chính phủ. Cáo giác chống lại Thủ tướng Yingluck nối tiếp những cuộc biểu tình quy mô lớn kéo dài trong nhiều tháng của phe đối lập đòi bà phải rời khỏi chức vụ.

Ít nhất 24 người đã thiệt mạng trong những cuộc biểu tình, trong đó có một người tại một cuộc biểu tình của phe đối lập ở Thủ đô Bangkok. Đây là vụ bạo động chính trị tệ hại nhất ở Thái Lan kể từ năm 2010. Những người biểu tình đòi bà Yingluck từ chức. Họ nói rằng Chính phủ của bà quá đỗi thối nát và nằm dưới sự khống chế của anh bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Kể từ sau cuộc đảo chính đẫm máu của quân đội năm 2006 khiến anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra phải ra đi, Thái Lan đã luôn trong tình trạng chia rẽ sâu sắc với những bất ổn chính trị. Hơn 700 người đã bị thương kể từ khi người biểu tình đổ ra các đường phố với mục tiêu lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và đặt dấu chấm hết cho sự lấn át về chính trị của gia tộc Shinawatra.

Đến nay, Chính phủ Thái Lan vẫn cáo buộc phe biểu tình đối lập tìm cách kích động để quân đội tiến hành đảo chính. Từ năm 1932, nước này đã chứng kiến 18 cuộc đảo chính thành công hoặc âm mưu đảo chính, nhưng đến nay, quân đội vẫn hầu như đứng ngoài cuộc.

Ngày 3/4, bà Yingluck đã được một ủy ban chống tham nhũng triệu tập tới để nghe các cáo buộc chống lại mình, một động thái có thể khiến bà bị bãi nhiệm. Trong khi đó, trước các cáo buộc, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã tự bào chữa trong vụ án liên quan tới chương trình trợ giá lúa gạo của Chính phủ. Bà Yingluck đã phát biểu trước Ủy ban quốc gia Chống tham nhũng, là cơ quan đã truy tố bà về tội sao nhãng trách nhiệm trong vụ án có thể dẫn tới chỗ bà bị loại khỏi chức vụ. Sau phiên tòa, ông Prasat Pongsivapai - thành viên của Ủy ban Chống tham nhũng nói với báo chí rằng, bà Yingluck đã nộp giấy tờ và trình bày một phát biểu ngắn để bênh vực cho bà. Ông cho biết, bà Yingluck cũng yêu cầu ủy ban mời thêm 10 nhân chứng và nêu ra thời hạn chót để luật sư của bà nộp thêm chứng cớ.

Đến thời điểm này đã qua thời hạn 30 ngày sau cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 nhưng Quốc hội Thái Lan vẫn chưa tổ chức được phiên họp đầu tiên để bắt đầu tiến trình thành lập một Chính phủ mới. Liệu Chính phủ tạm quyền còn được xem là đang hoạt động hợp pháp sau thời hạn này và trong hoàn cảnh đó liệu có xuất hiện khả năng xảy ra khoảng trống chính trị? Theo các chuyên gia pháp lý của đảng Dân chủ, đảng này sẽ xem xét thực hiện kế hoạch trên theo hai bước. Đầu tiên, họ sẽ phát động một chiến dịch luận tội chính quyền của bà Yingluck Shinawatra bằng việc vận động sự ủng hộ của khoảng 20.000 cử tri nhằm thực hiện kế hoạch luận tội Chính phủ vi phạm hiến pháp. Tiếp đến, đảng Dân chủ sẽ đề nghị Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về việc liệu có thể dừng hoạt động của Chính phủ tạm quyền hiện nay sau khi thời hạn chót quy định phải tổ chức một phiên họp toàn thể tại Quốc hội nhằm bầu ra một Chính phủ mới đã đi qua. Trong trường hợp này, liệu Chính phủ có vi phạm Điều 68 trong Hiến pháp về việc giành quyền lãnh đạo một cách vi hiến hay không. Theo Điều 127 của Hiến pháp Thái Lan hiện nay, trong vòng 30 ngày kể từ sau ngày bầu cử, các thành viên của Hạ viện phải được triệu tập trong phiên họp đầu tiên để bầu ra Chính phủ mới.

(Theo The Nation, Bankokpost, AFP)

Vũ Diệp

 


Ý kiến của bạn