Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, cả nước cần tập trung phòng, chống dịch COVID-19 một cách chủ động, có trách nhiệm, cụ thể, dù có hay chưa có vắc xin ngừa bệnh; trước hết cần thực hiện tốt thông điệp 5K do Bộ Y tế đưa ra, đồng thời nâng cao tinh thần kiểm soát dịch bệnh tại biên giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tạo điều kiện tối đa cho nghiên cứu vắc xin COVID-19 trong nước
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đối với công tác sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước, Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện tối đa, khuyến khích, động viên, hỗ trợ các đơn vị trong nước nghiên cứu. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu cần sử dụng kinh phí thử nghiệm lâm sàng đúng mục đích, hiệu quả. Bộ Y tế tìm hiểu kinh nghiệm thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 của các nước trên thế giới để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax của NANOGEN, nhằm sớm có vắc xin sản xuất trong nước; tìm kiếm đối tác nước ngoài trong việc hợp tác, thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax giai đoạn 3.
Dưới sự chỉ đạo, quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), các cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển trung tâm nghiên cứu phát triển vắc xin phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm ở người, bao gồm việc đầu tư xây dựng phòng nghiên cứu đạt an toàn sinh học cấp 3 hoặc cấp 4. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng tạo điều kiện, ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai đề án này.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vắc xin thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắc xin, làm sao có thể rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức phù hợp, sáng tạo. Bộ Y tế lắng nghe các kênh thông tin khác nhau để chọn phương án tốt nhất, hoàn thiện, trình Chính phủ.
Về vấn đề tiếp cận, mua vắc xin phòng COVID-19 của các nước trên thế giới, Thủ tướng khẳng định, cần sớm có một cơ số vắc xin cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế sớm hoàn chỉnh đề án xác định mua vắc xin của quốc gia phù hợp, dự kiến số lượng mua, đối tượng, thời gian, tính an toàn, tính miễn dịch, hiệu lực của vắc xin...; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp, hình thức hợp tác, mua sắm phù hợp. Nhà nước có trách nhiệm với nhân dân, đồng thời huy động các phương thức xã hội hóa để thực hiện trên tinh thần sẻ chia nhân ái, lá lành đùm lá rách.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý dự toán ngân sách nhà nước có mục mua vắc xin căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế lắng nghe, nắm bắt thông tin từ các kênh khác nhau để có phương án tốt nhất, hoàn thiện, trình Chính phủ trong thời gian tới.
Cũng tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nêu cao tinh thần cảnh giác vẫn là biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch COVID-19 Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Báo cáo tại cuộc họp về phương án vắc xin phòng COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 như hiện nay để ngăn chặn dịch xâm nhập và bùng phát. Tuy nhiên, về lâu dài, các bệnh truyền nhiễm như COVID-19, vắc xin vẫn là giải pháp quan trọng để thực hiện mục kiêu kép, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ước khoảng trên 70% dân số phải tiêm vắc xin phòng bệnh. Hiện nay, các vắc xin phòng COVID-19 đang nghiên cứu được chỉ định cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, số người ước khoảng 75 triệu người, tương ứng với khoảng 150 triệu liều vắc xin.
Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vắc xin trên người từ ngày 17/12/2020; vắc xin của IVAC, VABIOTECH dự kiến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào tháng 3/2021.
Việt Nam đang tích cực tiếp cận với vắc xin của một số nước và tổ chức trên thế giới như Sputnik V (Nga); AstraZeneca (Anh); Pfizer, Moderna (Hoa Kỳ), Trung Quốc...
Nano Covax là vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam được cấp phép tiêm thử nghiệm trên người (bắt đầu tiêm từ ngày 17/12/2020). Quá trình thử nghiệm sẽ trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tiêm trên 60 người được chia làm 3 nhóm với 3 liều tiêm khác nhau (25 mcg- 50 mcg-75 mcg). Mục tiêu của giai đoạn 1 là đánh giá tính an toàn của vắc xin. Giai đoạn 2 sẽ tiêm sau khi giai đoạn 1 tiến hành an toàn, thành công, tiêm trên 400-600 người để xác định liều tiêm tối ưu. Giai đoạn 3 sẽ tiêm trên ít nhất 1.500-3.000 người, có thể mở rộng ra 10.000 đến 30.000 người. Giai đoạn 3 mục tiêu phải đánh giá được tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực của vắc xin.