Ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024. Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.
Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét cho ý kiến, quyết nghị về nhiều nội dung quan trọng: Dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao; đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024…
Chính phủ đã nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng các dự án luật; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng luật; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đồng thời phân tích sâu các vấn đề quan trọng và còn có nhiều ý kiến khác nhau tại các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Thủ tướng cho rằng thuốc là hàng hóa đặc biệt nên phải có chính sách quản lý đặc biệt. Song cần thông thoáng trên cơ sở loại bỏ cơ chế xin cho, tuân thủ quy luật thị trường; đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, dược liệu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường công nhận đánh giá sự phù hợp từ các nước tiên tiến.
Thủ tướng cũng lưu ý chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp dược.
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ chủ trì đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật, nghiêm túc tiếp thu, giải trình; các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát của các đồng chí thành viên Chính phủ và các đại biểu tại phiên họp.
Về việc chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 sắp tới, số lượng các dự án luật rất lớn, vì vậy nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo quy định.
Lưu ý một số trọng tâm, yêu cầu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung nguồn lực, có chế độ chính sách phù hợp với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; rút ngắn hơn nữa quy trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, xử lý được các vấn đề đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua, các vấn đề mới chưa có quy định điều chỉnh; tăng cường năng lực phản ứng chính sách; bảo đảm quy trình, thủ tục đúng quy định.
Thủ tướng lưu ý thiết kế chính sách, quy định và diễn đạt bảo đảm rõ ý, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá; chú trọng lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp, người dân…