Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Trong chiến dịch tranh cử của mình ông Abe nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo nhằm giải quyết cái mà ông gọi là “khủng hoảng kép” mà Nhật Bản đang phải đối mặt, đó là tham vọng đang lên của Triều Tiên và vấn đề giảm sinh ở Nhật Bản.
Mở ra cơ hội thay đổi lịch sử
Ngày 1/11, với chiến thắng áp đảo các đối thủ trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, đạt 312/465 ghế Hạ viện và 150/242 ghế Thượng viện, ông Abe chính thức được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản. Điều này cho thấy nhận định sáng suốt của Thủ tướng Abe khi quyết định tổ chức bầu cử trước thời hạn tới 1 năm.
Ngay sau khi được tái bầu lại chức Thủ tướng Nhật Bản, ông S.Abe đã bắt tay thành lập Chính phủ mới, trong đó giữ lại tất cả các bộ trưởng – những vị trí mà ông đã thay đổi trong đợt cải tổ nội các hồi tháng 8. Trong các bộ trưởng cầm quyền chỉ có Bộ trưởng Môi trường, ông Kelichi Ishii là người thuộc đảng Công minh trong liên minh cầm quyền, còn các vị trí khác đều thuộc về các thành viên đảng Dân chủ tự do của ông Abe.
Chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Abe, khi liên minh với đảng Công minh sẽ giúp duy trì chính sách mà Chính phủ của Thủ tướng đã và đang theo đuổi. Đây chính là cơ hội, tiếp thêm động lực cho Thủ tướng Abe xúc tiến sửa đổi Hiến pháp, điều mà ông đã hứa và mong muốn làm bằng được trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình. Nếu nó trở thành hiện thực, Thủ tướng Abe sẽ tạo nên một di sản để đời.
Ông Abe được chính thức bầu làm Thủ tướng Nhật Bản tại Quốc hội ngày 1/11
Ông S.Abe 63 tuổi, trở thành người đứng đầu Nhật Bản trên cương vị Thủ tướng từ tháng 12/2012. Nhưng suốt trong nhiệm kỳ 2 của mình ông vẫn không hoàn thành việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp, điều khoản cấm Nhật Bản sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế và không có lực lượng quân đội riêng. Nhưng đây chính là thời điểm để “ngôi sao sáng” trên chính trường Nhật Bản tạo ra di sản của riêng mình. Chưa bao giờ ông Abe có nhiều lợi thế đến vậy bởi để thay đổi Hiến pháp Nhật Bản đòi hỏi sự ủng hộ của ít nhất 2/3 nghị sĩ tại cả 2 viện của Nhật Bản và sự đồng thuận của đa số người dân trong một cuộc trưng cầu dân ý công khai. Chiến thắng vừa rồi của ông Abe tại Quốc hội chứng tỏ ông đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nghị sĩ.
Định hình tương lai của Nhật Bản
Kể từ khi lên nắm quyền trở lại vào năm 2012, ông Abe đã đưa ra chính sách kinh tế Abenomics với mục tiêu đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát, thi hành chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ giá đồng yên, nhờ đó sức tiêu thụ của người dân tăng lên, thu nhập doanh nghiệp tăng, kinh tế Nhật Bản dần thoát khỏi những cơn “bĩ cực”.
Tuy nhiên trong thời gian tới, khả năng Thủ tướng Abe sẽ phải đối mặt với các vấn đề kinh tế tăng trưởng chậm lại, nợ quốc gia tăng cao, lạm phát dưới mục tiêu… Khó khăn thứ 2 là tình trạng già hóa dân số, số người trong độ tuổi lao động của Nhật Bản giảm 6%, người ta đã thống kê, số việc làm ở Nhật Bản gấp đôi so với số người xin việc. Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, Nhật Bản có khả năng phải tính đến nhập khẩu lao động, nhưng cũng sẽ khiến Nhật phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như bản sắc văn hóa bị đe dọa, tội phạm gia tăng, …
Việc sửa đổi điều 9 Hiến pháp Nhật Bản ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và một số nước, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc. Thêm vào đó, quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Abe, khiến nhiều cử tri lo ngại, khi quân đội Nhật Bản tham gia vào các chiến dịch ở nước ngoài sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Trong quan hệ với Mỹ, Thủ tướng Abe muốn củng cố liên minh với Mỹ nhằm đối phó với Triều Tiên. Và việc sửa đổi điều 9 Hiến pháp được nhiều nhà phân tích cho rằng có mục tiêu nhắm vào Triều Tiên, Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ can thiệp quân sự khi cần thiết.