Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật diễn ra ngày 5/8, khẳng định Chính phủ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ trưởng phải tập trung cho công tác này, đây là nền tảng quan trọng cho chỉ đạo điều hành. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, tránh tình trạng “giữa đường đổi vai”.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ là cơ quan hoạch định chính sách quốc gia, có trách nhiệm bảo vệ chính sách do mình xây dựng trước Quốc hội để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý điều hành trong việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự án luật, pháp luật do Chính phủ trình.
Việc này tạo cơ chế để từng bộ trưởng, thành viên Chính phủ khi được giao chủ trì dự án luật phải đề cao trách nhiệm, theo sát đến cùng cho đến khi Quốc hội thông qua, bảo đảm tính hệ thống, thông suốt, không cắt khúc trong quá trình xây dựng luật.
Thủ tướng lấy ví dụ về việc Luật Phòng chống tác hại rượu bia, cơ quan chủ trì là Bộ Y tế đã theo đến cùng, thuyết minh đầy đủ nên được các đại biểu Quốc hội ủng hộ, mặc dù trong quá trình thảo luận, còn có ý kiến này ý kiến khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP.
Đối với các ý kiến về việc dùng một luật sửa nhiều luật, áp dụng quy trình điện tử trong xây dựng VBQPPL, vấn đề ủy quyền luật pháp, về quy định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, vấn đề thời gian ban hành, có hiệu lực của thông tư…, Thủ tướng cho rằng, đây là những vấn đề thực tiễn phát sinh, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xử lý, hoàn thiện.
Cho rằng thực tế có tình trạng các luật mâu thuẫn, không biết áp dụng theo luật nào, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu vấn đề, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có quy định là văn bản nào có giá trị pháp lý cao hơn thì áp dụng văn bản đó, tuy nhiên, với luật thì có giá trị pháp lý ngang nhau. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị, khi có sự xung đột giữa các luật thì trách nhiệm của Chính phủ là trình Quốc hội có Nghị quyết xác định chọn áp dụng luật nào.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL, được xem là “công thức” cho xây dựng thể chế pháp luật ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết, đối với sự chồng chéo, vướng mắc giữa các luật, giao Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, xử lý giải quyết...