Theo Ban Tổ chức, Vesak 2019 ghi nhận số lượng lãnh đạo cấp cao, khách quốc tế tham dự kỷ lục, với hơn 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao các nước đến tham dự như: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc... Hơn 20.000 đại biểu là phật tử, nhân dân trong nước cùng dự.
Theo chương trình Đại lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu tại lễ khai mạc Vesak 2019, tiếp sau đó là các phát biểu của Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc...
Ban tổ chức cho biết đã nhận được hơn 500 bài tham luận của học giả quốc tế và Việt Nam, cùng làm rõ chủ đề của Vesak 2019 - Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.
Nhiều diễn đàn về chủ đề này cũng sẽ được tổ chức như lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục, gia đình hòa hợp; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.
Đại lễ Vesak 2019 còn có các hoạt động văn hóa như nghi lễ tắm Phật truyền thống; cầu nguyện quốc thái dân an; hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; triển lãm cổ vật phật giáo; diễu hành xe hoa…
Sự kiện năm nay được tổ chức quy mô hơn những năm trước với nhiều quốc gia tham dự nhất, nhiều tham luận nhất.
Ngày 15/12/1999, tại hội nghị lần thứ 54, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận và thừa nhận Lễ kỷ niệm ngày Vesak vào 15/4 âm lịch. Nghị quyết hội nghị viết, ngày trăng tròn tháng tư (15/4) là ngày thiêng liêng nhất của phật tử bởi "Lời dạy của Đức Phật và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của ngài đã chuyển hóa hàng triệu người".
Năm 2008, lần đầu Việt Nam đăng cai Vesak và ra tuyên ngôn Hà Nội, kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực đảm bảo hòa bình thế giới, cải thiện chất lượng sống cho tất cả mọi người.