Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 2017

23-10-2017 15:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 23/10, sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018

Báo cáo nêu rõ những kết quả đã đạt được về KT-XH năm 2017, nhấn mạnh tinh thần quyết tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn; thường xuyên đối thoại; cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo rà soát cắt giảm chi phí; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập,... thực hiện các mục tiêu được Quốc hội giao.

Kết quả nổi bật nhất năm 2017 là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực, có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước và trên đà hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017. Các ngành, lĩnh vực đều có bước tăng trưởng khá, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nông nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2016. Công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng tăng cao, bù đắp được sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng. Dịch vụ, du lịch phát triển vượt bậc, nhất là du lịch quốc tế đến Việt Nam. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, vượt xa mục tiêu đã đề ra của cả năm 2017...

Báo cáo cho biết, trong 9 tháng đầu năm, đã mua thêm 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay; kỷ luật tài chính được tăng cường; nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục; thị trường chứng khoán cao nhất từ 2008; công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu được tăng cường; năng lực cạnh tranh tăng; ước cả năm GDP đạt 6,7%;... 

Các lĩnh vực văn hóa xã hội được chú trọng, đạt nhiều kết quả; an sinh xã hội được bảo đảm; Chính phủ đã phê duyệt chủ trương xây dựng 10 bệnh viện mới; đẩy mạnh thực hiện, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; đổi mới kỳ thi trung học phổ thông, CĐ-ĐH; thể dục thể thao có bước tiến bộ với nhiều thành tích nổi bật;...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm minh việc khai thác cát, rừng trái phép; chủ động thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản; Tổ công tác của Thủ tướng tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, khắc phục tình trạng "nói không đi đôi với làm"; kiên quyết xử lý các công chức sai phạm; đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; xử lý nhiều vụ việc tham nhũng; chú trọng công tác thanh tra, tập trung vào những vấn đề gây bức xúc... An ninh, quốc phòng được bảo đảm; các hoạt động đối ngoại được tổ chức chu đáo, thiết thực; nắm chắc tình hình xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quan hệ quốc tế...

Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém về: Chất lượng tăng trưởng; năng suất lao động; năng lực cạnh tranh; giải ngân vốn đầu tư; xử lý nợ xấu; tái cơ cấu nền kinh tế; quản lý đô thị; chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển thị trường khoa học công nghệ; phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; vấn đề nâng cao đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai; quản lý tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập,...

Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, báo cáo nêu rõ những mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về KT-XH (tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm, giảm nghèo, quản lý môi trường, bảo đảm an sinh xã hội...) trong năm 2018 và những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cần tập trung nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn