Không thể đứng ngoài xu thế tất yếu
Ngày 24/4, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội), Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số". Đây là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" sáng 24/4.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc xu thế tất yếu này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sáng 24/4.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.
Thể chế về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi sớm đang từng bước được hoàn thiện. Công nghệ số được ứng dụng mạnh mẽ và nhanh chóng. Thứ hạng về Chính phủ điện tử nói chung và an toàn, an ninh mạng của Việt Nam liên tiếp được cải thiện trên các bảng xếp hạng quốc tế. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ lõi, phát triển nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh, sâu sắc, toàn diện hơn, nhất là sự phát triển của AI. Hầu hết các nước trên thế giới đều đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia. Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng lực lượng sản xuất mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
3 hành động, 3 quyết tâm để đổi mới sáng tạo thành công
Thủ tướng đề ra các nhiệm vụ hành động để thực hiện phong trào có hiệu quả gồm:
Một là, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học, trí thức và Nhân dân phấn đấu đến năm 2030 tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%. Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến.
Hai là, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và trong Nhân dân, tự lực tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh, với quan điểm: "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".
Ba là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Đến năm 2025, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.

Các đại biểu tham dự lễ phát động sáng nay.
Để đạt được các mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, thi đua thực hiện "3 quyết tâm" gồm:
Quyết tâm chính trị, đổi mới tư duy, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hoàn thiện thể chế, pháp lý để tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo. Phải thực sự vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả".
Quyết tâm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ mang tính đột phá. Trước mắt, trong năm 2025, đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả; 100% thủ tục hành chính không bị giới hạn bởi địa giới hành chính cấp tỉnh. Đồng thời, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học, công nghệ. Triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc. Bởi như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm "Đổi mới sáng tạo chính là "cây gậy thần" đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm".
Quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đảm bảo an toàn, an ninh, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập mạng. Xây dựng và triển khai chương trình phát triển công dân số.
"Tôi cũng yêu cầu người lãnh đạo, người đứng đầu phát huy vai trò trách nhiệm với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ, dám làm, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực được giao để đầu tư thích đáng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bảo đảm thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên nguyên tắc khoa học, hợp lý, hiệu quả.
Đồng thời, chú trọng biểu dương, tôn vinh, khen thưởng khích lệ, động viên kịp thời bằng nhiều hình thức đa dạng cho các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trân trọng từng phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng yêu cầu mỗi người dân cần thi đua tự trau dồi, đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số. Bởi nếu không có công dân số thì Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số không thể phát triển. Các cơ quan thông tấn, báo chí thi đua làm tốt công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, tạo sự đồng thuận, sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc với các cấp chính quyền, thúc đẩy thành công công cuộc chuyển đổi số.