Thủ tướng: Năm 2020, cơ bản giải quyết được quá tải bệnh viện

01-02-2015 21:36 | Thời sự
google news

Trong văn bản trả lời chất vấn vừa gửi tới Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về tình trạng quá tải bệnh viện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa đến năm 2020 sẽ cơ bản giải quyết tình trạng này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quá tải bệnh viện là vấn đề gây bức xúc trong xã hội
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quá tải bệnh viện là vấn đề gây bức xúc trong xã hội

Phiên chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 (tháng 11/2014), Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng nêu lại tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Nữ đại biểu đặt vấn đề, tình trạng này đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm nay mà chưa có một vị Bộ trưởng Y tế nào dám hứa giải quyết.

Chia sẻ với cái khó của vị trí người đứng đầu ngành y tế, bà Thúy chi rằng, quyền hạn và nguồn lực của Bộ trưởng có hạn, một mình không thể giải quyết được.

Nữ đại biểu muốn Thủ tướng nêu quan điểm, đánh giá về tình trạng quá tải ở bệnh viện, nỗi khổ và sự bức xúc của người dân với vấn đề này.

"Với tư cách người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có thể huy động nguồn lực để giải quyết tình trạng này không? Thủ tướng có cam kết gì trước nhân dân cả nước tại kỳ họp này?” - nữ đại biểu đặt câu hỏi trước toàn thể hội trường.

Tuy nhiên, thời lượng phiên chất vấn Thủ tướng khi đó có hạn (chỉ khoảng 50 phút) nên câu hỏi của đại biểu Kim Thúy chưa được trả lời trực tiếp trên hội trường.

Theo quy định, sau kỳ họp, Thủ tướng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu bằng văn bản. Trong văn bản vừa gửi tới nữ đại biểu Đà Nẵng, Thủ tướng xác nhận, quá tải bệnh viện là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tình trạng quá tải bệnh viện chủ yếu ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối, nhất là các bệnh viện chuyên khoa về ung bướu, tim mạch, chấn thương, chỉnh hình, sản, nhi.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục. Đầu tư xây mới và nâng cấp mở rộng nhiều bệnh viện theo Đề án 47 và Đề án 930. Triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, thực hiện nhiều giải pháp đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện, tăng số giường bệnh và trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh. Khẩn trương xây dựng 5 bệnh viện hiện đại tuyến Trung ương và tuyến cuối với khoảng 4.500 giường. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian chờ đợi trong khám chữa bệnh. Xử lý kịp thời phản ánh của người bệnh thông qua đường dây nóng. Tăng cường năng lực cho tuyến dưới thông qua các Đề án bệnh viện vệ tinh, luân chuyển cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới. Nhân rộng mô hình bác sỹ và phát triển y tế ngoài công lập.

Để giải quyết tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Ưu tiên bố trí tăng đầu tư từ ngân sách cho y tế theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước.

Thủ tướng cũng thông tin, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016, bố trí trên 36,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, sản, nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh miền núi, khó khăn. Rà soát, đưa ra một số dự án đầu tư cho y tế vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Thu hút đầu tư cho y tế từ nguồn vốn ODA của một số nước và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA)… Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực ngoài nhà nước, đầu tư phát triển y tế, khuyến khích các hình thức hợp tác công-tư.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên sẽ góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng quá tải bệnh viện.

P.Thảo

 

 


Ý kiến của bạn