Đến 2030, Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng
Tại hội nghị, tỉnh Lạng Sơn công bố nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg.
Quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030, xây dựng Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía bắc, là "cầu nối" ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu; có xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc. Đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số; tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam.
Theo Quy hoạch, 1 trục phát triển của tỉnh là: Đồng Đăng - Hữu Lũng gắn với hành lang kinh tế Bắc – Nam; 2 hành lang kinh tế gồm hành lang Cao Lộc - Văn Lãng - Tràng Định và hành lang TP. Lạng Sơn mở rộng - Lộc Bình - Đình Lập; 3 vùng KT-XH gồm: Vùng kinh tế động lực; Vùng kinh tế phía đông; Vùng kinh tế phía tây.
4 khâu đột phá phát triển của Lạng Sơn là: Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH; Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch; Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn, quy hoạch được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược dựa trên tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh sẽ mở ra không gian phát triển và cơ hội mới; thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh.
Tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ Quyết định số 236 ngày 19/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
3 nhiệm vụ quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, với vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm kết nối quan trọng của vùng, cả nước và điểm trung chuyển quan trọng của khu vực.
Thủ tướng đánh giá tình hình KT-XH của Lạng Sơn năm 2023 đạt được nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá (GRDP tăng 7%); nông lâm nghiệp tăng 6,55%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,18%, dịch vụ tăng 6,77%...
Thủ tướng khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh, đó là:
Thứ nhất, không ngừng tăng cường, củng cố và đẩy mạnh quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện lâu dài, chặt chẽ, bền vững giữa hai nước, nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, góp phần cụ thể hóa, triển khai "Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thứ hai, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, hữu nghị theo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.
Thứ ba, phát huy được tính kết nối về giao thông, về kinh tế giữa Lạng Sơn với các tỉnh trong vùng, với cả nước, giữa Việt Nam với ASEAN và với Trung Quốc.
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu trước hết, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển KT-XH, có tính lan tỏa lớn, nhất là đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn kết nối với Trung Quốc và xây dựng cửa khẩu thông minh…
Thủ tướng tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Lạng Sơn sẽ có bước phát triển mới, mang tính đột phá sau hội nghị, phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt là trong phát triển con người, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.