Thủ tướng: Không được chủ quan, chần chừ trong chống dịch COVID-19

05-03-2020 18:49 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Với quyết tâm chính trị và những biện pháp đồng bộ của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo và của các cấp các ngành, các địa phương, công tác chống dịch COVID-19 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, do đó chúng ta không được chủ quan, không mệt mỏi, không chần chừ, cần kiên định và kiên quyết hơn trong công cuộc chống dịch.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 diễn ra tại Trụ sở Chính phủ chiều ngày 5/3

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19

57% người cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên- Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dich COVID-19 cho biết, từ ngày 13/02/2020 đến nay Việt Nam không ghi nhận các trường hợp mắc mới.

Đã tiến hành xét nghiệm 1.848 mẫu phát hiện 16 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 gây COVID-19 và đã được điều trị khỏi 16/16 ca. Đã loại trừ 1752 trường hợp nghi ngờ; tiến hành theo dõi, cách ly 92 trường hợp nghi ngờ.

Hiện đang theo dõi sức khỏe (cách ly) 16.191 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 416 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.538 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 9.237 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú (bằng 57%).

Huy động một số khách sạn, cơ sở lưu trú thực hiện việc tổ chức cách ly

Đối với vấn đề cách ly, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và Bộ LĐTB&XH đã thông báo công dân các nước có dịch bổ sung thông tin khai báo về địa điểm cư trú hoặc lưu trú, cơ quan, doanh nghiệp nơi làm việc tại Việt Nam để có cơ sở tổ chức cách ly, để các địa phương nắm bắt thông tin và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cách ly.

Về cách ly, dự báo trong thời gian tới, lượng công dân Việt Nam từ các nước (trong đó có Hàn Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam số lượng lớn, Ban chỉ đạo quốc gia đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh, thành có phương án huy động một số cơ sở khách sạn, cơ sở lưu trú để thực hiện việc tổ chức cách ly (khi mà đã hết cơ sở cách ly do quân đội bố trí).

UBND các tỉnh, thành chủ động bố trí một số cơ sở cách ly để sẵn sàng thu dung (ngoài các cơ sở cách ly do quân đội đã bố trí).

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo cập nhật về tình hình dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Công dân thuộc tỉnh, thành phố nào thì được theo dõi, cách ly tại đó theo nguyên tắc: khi nhập cảnh vào Việt Nam được đưa vào khu cách ly tập trung ban đầu; tại đây được khám sàng lọc, những trường hợp không có biểu hiện sốt, ho, khó thở và không đến hoặc đi qua vùng dịch thì được chuyển về địa phương để theo dõi, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh chuẩn bị và vận động các cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tham gia tổ chức cách ly có trả phí; hướng dẫn tiêu độc, khử trùng đảm bảo an toàn vệ sinh trước và sau khi thực hiện cách ly.

Đã có hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải phòng dịch tại cộng đồng

Về vấn đề hậu cần, xét nghiệm, Ban chỉ đạo cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo thẩm định ngay các bộ xét nghiệm do một số cơ sở y tế của Việt Nam nghiên cứu để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm, sản xuất với số lượng hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 4/3 ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm COVID-19 được cấp số đăng ký để sử dụng tạm thời.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế thẩm định chất lượng khẩu trang vải kháng khuẩn do các doanh nghiệp của Bộ Công thương sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã có văn bản hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải phòng dịch tại cộng đồng. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 giao Bộ Công thương thông báo cho doanh nghiệp tạm dừng ngay sản xuất khẩu trang không chấm thấm và tập trung triển khai may khẩu trang chống thấm khử khuẩn.

Về việc mua khẩu trang y tế và trang thiết bị phòng hộ, Ban chỉ đạo cho rằng, với diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay thì trong thời gian tới, vấn đề khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế là rất quan trọng. Nguồn cung trên toàn thế giới khó khăn, nhu cầu cao. Vì vậy, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu trang dự trữ (cộng với 10 triệu ban đầu là 30 triệu chiếc) và một số khẩu trang N95, bộ trang phục chống dịch, bộ chống dịch Tyvek.

Hiện Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch mua 95 máy thở các loại, 10 máy Xquang di động kỹ thuật, 300 máy theo dõi bệnh bệnh nhân, 500 bơm tiệm điện, 500 máy truyền dịch, 20 máy phun khử khuẩn. Do số lượng mua lớn, nhiều nhà cung cấp lớn không chào thầu, tham dự thầu, vì vậy, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép trưng mua theo quy định của Luật trưng mua, trưng thu với số lượng 75% sản lượng của các nhà sản xuất

Tổ dân phố phải biết người dân sống thế nào, tình hình dịch bệnh ra sao

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cuộc họp nhằm tiếp tục khẳng định tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không được lơ là, chủ quan.

Thủ tướng nhấn mạnh, từ trước tết, trong tết và sau tết chúng ta đều họp về vấn đề đối phó với dịch bệnh, đưa ra các phương án xử lý kịp thời hiệu quả với dịch bệnh.

“Cách ly y tế chúng ta đã làm sớm từ đầu. Đồng thời, sử dụng lực lượng quân đội và cơ sở hạ tầng của quân đội để phục vụ cách ly. Chúng ta cũng có nhiều biện pháp mạnh mẽ khác nên kết quả chống dịch bước đầu là tốt. 23 ngày qua chưa có ca nào mắc mới, 16 người đã ra viện. Chúng ta cũng đã áp dụng công nghệ thông tin trong phòng chống, kiểm soát dịch. Công tác truyền thông trong phòng chống dịch khá tốt, các báo đều dành trang 1 tuyên truyền về dịch bệnh.

Các địa phương đều thực hiện chỉ đạo về phòng chống dịch hết sức kịp thời. Sự tham gia tích cực của ngành y tế các cấp; công an; lực lượng quân đội, trong đó vừa qua Bộ Quốc phòng đã tổ chức diễn tập chống dịch toàn quốc trên quy mô lớn”- Thủ tướng nói

Tại cuộc họp này, thêm một lần nữa Thủ tướng biểu dương các bộ ngành và địa phương đặc biệt là các chiến sĩ áo trắng trên mọi miền tổ quốc, lực lượng quân đội trong công cuộc chống dịch.

Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta đã chuẩn bị nhiều bệnh viện dã chiến và trên 30.000 chỗ lưu trú cho cách ly, đồng thời ứng xử nhân văn với người cách ly “tính sẵn sàng của chúng ta rất cao. Chúng ta ngày càng thấy được vai trò quan trọng của việc chủ động phòng chống dịch”- Thủ tướng nhấn mạnh

Nhắc lại mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng, dịch có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, không chỉ làm đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số đối tác quan trọng của nước ta. Do đó, trong hôm nay, Thủ tướng sẽ ký ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính đáp ứng mọi nhu cầu chống dịch bệnh đúng mức, kịp thời, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, trong công tác phòng chống dịch hiện nay cần tính đến việc đối phó với tình huống xấu khi dịch bùng phát trên diện rộng, tại các đô thị lớn và đông dân. Do đó, Thủ tướng lưu ý TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cần kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bởi nếu để lây lan thì sẽ rất khó khăn. Thủ tướng cũng đề nghị một số địa phương và một số ngành cần tiếp tục thực hiện diễn tập phản ứng nhanh phòng chống dịch.

Những hình thức, cách làm mới phải được vận dụng phù hợp, kịp thời, đặc biệt là các nguồn, đường lây nhiễm, mầm bệnh tại cộng đồng… đều phải chủ động phát hiện để tránh nguy cơ lây lan rộng. Tổ dân phố phải biết người dân sống thế nào, tình hình dịch bệnh ra sao.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu lập kế hoạch dự phòng cung ứng lương thực, thực phẩm tại các khu cách ly, không để tình trạng bất an tại các khu cách ly…

Về vấn đề khẩu trang và máy thở cùng hậu cần chống dịch, Thủ tướng đặt vấn đề bao nhiêu cơ số máy thở là vừa, đề nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính, Bộ Công thương cùng Văn phòng Chính phủ cùng làm việc, tính toán lại chặt chẽ, đề xuất Thủ tướng. Thủ tướng đồng ý đề xuất mua thêm 20 triệu chiếc khẩu trang dự trữ, và giao Bộ Y tế bàn với Bộ Tài chính phương thức mua hợp lý.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn