Thủ tướng chia sẻ khó khăn, mất mát với nhân dân vùng lũ
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tình hình thiên tai, cho đến nay, bão lũ năm 2021 tuy không khốc liệt như năm 2020 nhưng mang nhiều yếu tố bất thường. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm 19 người chết, mất tích.
Mưa lũ làm 26 nhà bị sập, đổ; 1.657 ha lúa và 1.097 ha hoa màu bị thiệt hại, 2.648 con gia súc, 71.897 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 252 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 3 tàu cá và 2 xà lan bị chìm; 26 km đường giao thông bị sạt lở với 154.650 m3 đất đá; hư hỏng 17 cống, 1 cầu giao thông...
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết đã quyết liệt triển khai các giải pháp với mục đích lớn nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng của người dân, cùng với đó là bảo vệ tài sản của người dân và Nhà nước.
Đặc biệt, qua đợt mưa lũ đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như các hồ có dung tích cắt lũ nhỏ; công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ trên lưu vực sông Ba giữa các tỉnh còn một số bất cập về quy trình, các điều kiện bảo đảm vận hành, thông tin và bảo đảm an toàn hạ du... khiến công tác phòng, chống lũ lụt hiệu quả chưa cao.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai đang diễn ra phức tạp, khốc liệt, khó kiểm soát, khó dự báo, không theo quy luật, xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Thời gian qua, mưa lũ đã xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mưa lớn gây mức lũ gần mức lịch sử tại nhiều địa phương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1659/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời thường xuyên gọi điện chỉ đạo trực tiếp các đồng chí lãnh đạo địa phương khi tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp.
Không để lũ lụt làm phát sinh dịch bệnh
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục bám sát, dự báo tình hình, diễn biến mưa lũ chính xác, kịp thời để người dân và các địa phương chuẩn bị phòng chống, ứng phó.
Trước mắt, tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, "màn trời, chiếu đất", không để dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cũng không để lũ lụt làm phát sinh dịch bệnh. Các cấp ủy phải nắm chắc tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, chính quyền tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, sát dân, MTTQ và các đoàn thể cùng vào cuộc.
Một nhiệm vụ khác là tập trung khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, vệ sinh, dọn dẹp môi trường, nhất là tại các trường học, cơ sở y tế, thu gom xử lý rác thải… Cùng với đó, khẩn trương hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở; khắc phục các sự cố, khôi phục việc cấp điện, nước, bảo đảm thông tin liên lạc và các nhu yếu phẩm khác; khôi phục các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, hồ đập…; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt bình thường cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu sơ kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm sau đợt mưa lũ vừa qua. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống, ứng phó thiên tai (lũ lụt, sạt lở, sụt lún, các hiện tượng thời tiết cực đoan…) tại miền Trung, Nam bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc, từ đó có các dự án cụ thể, huy động các nguồn lực để thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh, thiên tai ảnh hưởng tới mọi người cho nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân trong việc tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác, cùng vào cuộc với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong phòng chống, ứng phó thiên tai.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, lập quy hoạch, triển khai di dời người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế xử lý theo thẩm quyền và trình cấp thẩm quyền xử lý các đề xuất hỗ trợ của địa phương phù hợp quy định hiện hành và theo khả năng đáp ứng. Bộ Giao thông vận tải rà soát các tuyến đường trọng yếu, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải không bị tê liệt, vướng mắc. Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương tiêu độc, khử trùng và phòng chống hiệu quả dịch bệnh…
Thủ tướng chỉ đạo việc hỗ trợ các địa phương về gạo, tài chính… cần trên tinh thần tiết kiệm, kịp thời, đúng đối tượng và bảo đảm thực chất, phát huy hiệu quả.
"Đề nghị 8 địa phương nắm chắc tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, kinh doanh và cuộc sống bình thường người dân, tiếp tục phòng chống dịch COVID-19, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn trong bối cảnh tình hình phức tạp, các bộ, ngành cùng chung tay với các địa phương, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ", Thủ tướng nhấn mạnh.