Sáng 25/3, tại TP Huế, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại buổi lễ.
Động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (gọi tắt là ngày hội) là hoạt động thường niên được Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức nhằm thực hiện đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" theo quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày hội năm nay được tổ chức tại TP Huế trong các ngày 25 và 26/3 với nhiều hoạt động diễn ra.
Ngày hội nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đây cũng là cơ hội để tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao…
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên.
"Ngày hội được tổ chức hằng năm thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học, chia sẻ giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, trong gần 5 năm thực hiện, Đề án 1665 đã thu hút được gần 2.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm; hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Gần 100 trường đại học đã đưa khởi nghiệp thành một môn học. Nhiều cơ sở đào tạo có Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Có 98 vườn ươm khởi nghiệp trong trường học.
Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.000 lượt thanh niên tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16.000 dự án với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng. Đặc biệt, Vòng Chung kết cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" và Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm nay có 80 dự án xuất sắc được lựa chọn. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, thành công bước đầu rất đáng trân trọng.
Thủ tướng đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực, nhiều đề án, dự án còn dở dang, nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa.
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh: "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo;… nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế".
Đề án 1665 đề ra mục tiêu: "Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên... Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp…".
Theo Thủ tướng, để đạt được các mục tiêu này, để hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất chính là tinh thần quyết tâm, khát vọng của thanh niên Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đồng hành, khuyến khích mọi ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt mà thực tiễn đặt ra, nhất là khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để giúp các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… phát triển nhanh, bền vững.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để mau chóng tiệm cận và đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới trong những lĩnh vực đang là xu thế của thời đại như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet vạn vật, công nghệ nano, ứng phó biến đổi khí hậu, già hóa dân số…
Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc ta; với một thế hệ trẻ tràn đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, nhiều ước mơ, những đam mê, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, chắp cánh và trở thành hiện thực, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tăng cường đăng kiểm viên quân đội để hỗ trợ các trung tâm ở TP Hồ Chí Minh