Có sự chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch
Thủ tướng đánh giá cao cố gắng trong thời gian qua của ngành y tế, các lực lượng quân đội, công an, các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia trong thực hiện mục tiêu kép. Cho nên, trong 99 ngày qua chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Tuy nhiên, có một bộ phận chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp Ảnh:VGP/Quang Hiếu
Với tình hình xuất hiện bệnh nhân số 416 ở TP. Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là TP. Đà Nẵng cũng như ngành y tế bình tĩnh, kiên quyết xử lý, nhất là khu vực bệnh nhân đã đến, sinh hoạt.
Với Đà Nẵng, tiếp tục điều tra, truy vết và thực hiện cách ly tập trung đối với những trường hợp F1 một cách an toàn; chỉ đạo, khoanh vùng, dập dịch, không để vỡ trận. Các biện pháp mạnh như áp dụng công nghệ, biện pháp trực tiếp như đi từng ngõ, gõ từng nhà, truy vết tìm F0 tiếp tục được tổ chức quyết liệt, không thể chủ quan.
Ngành y tế tăng cường chuyên gia, phương tiện cho TP. Đà Nẵng trong việc điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân 416.
Bộ Công an khởi tố điều tra đường dây đưa người bất hợp pháp để xử lý nghiêm theo pháp luật
Các bộ, các ngành, UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Các thành phố lớn và các địa phương có liên quan quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm phòng chống dịch tại Chỉ thị 19 của Thủ tướng. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thường xuyên như rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn… nhất là những khu vực như TP. Đà Nẵng, nơi xuất hiện ca bệnh 416.
Cùng với khoanh vùng, dập dịch tích cực ở TP. Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra biên giới, cửa khẩu một cách chặt chẽ, ngăn chặn nhập cảnh trái phép; đồng ý yêu cầu Bộ Công an khởi tố điều tra đường dây đưa người bất hợp pháp để xử lý nghiêm theo pháp luật. Thực hiện nghiêm túc việc cách ly tập trung.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp của Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 25/7 Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế phối hợp ứng dụng công nghệ vào truy vết, trước hết đối với TP. Đà Nẵng, đồng thời tiến hành xét nghiệm diện rộng với phương thức phù hợp.
Ban Chỉ đạo Quốc gia chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục việc thông tin về công tác phòng chống dịch để người dân chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, không để xuất hiện tình trạng hoang mang, hoảng loạn trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh khi có ca 416.
TP. Đà Nẵng phải coi đây là nhiệm vụ chính trị tập trung, đột xuất trong chỉ đạo. Xác định rõ hơn các khu vực có trường hợp mắc bệnh, nguồn nghi ngờ lây nhiễm để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế
Thủ tướng giao các Bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Truyền thông và Thông tin, Công an xem xét cử cán bộ tăng cường hỗ trợ TP. Đà Nẵng thực hiện các công tác trên. Chúng ta bình tĩnh nhưng phải cương quyết, nếu không cương quyết, nhận thức không rõ ràng, quyết liệt thì sẽ có nguy cơ lan rộng ra cộng đồng, Thủ tướng nói.
Bộ Y tế tập trung giám sát, lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây. Ngành y tế phải bảo đảm sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị được cung ứng đầy đủ cho công tác phòng chống dịch, không chủ quan.
Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát nghiêm trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam; tổ chức cách ly chặt chẽ, nghiêm túc, không để xảy ra lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung.
Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng báo cáo trực tuyến tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tất cả các địa phương, đặc biệt là Bộ Công an rà soát các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, coi đây như trường hợp nghi nhiễm để áp dụng cách ly y tế theo quy định.
Cả nước, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tiếp tục hỗ trợ các nhà ngoại giao, các quan chức cao cấp, các nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng đầu tư, thương mại với biện pháp phù hợp.
Minh bạch hóa và hỗ trợ các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, công nhân tay nghề cao nhập cảnh làm việc, khảo sát cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức người Việt, công dân Việt Nam là học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, bị kẹt ở nước ngoài và các trường hợp đặc biệt khác về nước.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với địa phương, yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn thi, nhất là khu vực có dịch bệnh
- Ghi nhận 15.929.888 trường hợp mắc COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, 3 quốc gia có trên 1 triệu trường hợp mắc (Mỹ, Brazil, Ấn Độ); 20 quốc gia có số mắc trong khoảng từ 100.000 – 1.000.000 trường hợp.
- Ghi nhận 641.841trường hợp tử vong, mỗi ngày trung bình thế giới ghi nhận khoảng 6.000 trường hợp tử vong. trong đó Mỹ là quốc gia có số tử vong cao nhất với 148.452 trường hợp; 10 quốc gia có số tử vong trong khoảng từ 10.000 – 100.000 trường hợp; 27 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa ghi nhận trường hợp tử vong do COVID-19, trong đó có Việt Nam.
- Trong tuần (từ 19-25/7), thế giới ghi nhận thêm hơn 1.160.000 trường hợp mắc và 26.200 tử vong, trung bình mỗi ngày ghi nhận trên 230.000 ca mắc. Dịch bệnh tiếp tục có xu hướng gia tăng trên toàn cầu, lây lan nhanh nhất tại Mỹ và khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, tại Ấn Độ và một số quốc gia Châu Á khác dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
- Đến nay, cả nước ghi nhận tổng số 416 trường hợp mắc, trong đó 365 trường hợp đã được điều trị khỏi (chiếm 88,4%).
Ban Chỉ đạo nhận định trên thế giới dịch bệnh diễn biến phức tạp, số chết và mắc liên tục tăng. Dịch lây nhiễm rất nhanh ở mức rất cao. Số mắc mới hàng ngày liên tục đạt đỉnh trong thời gian gần đây.
Dịch bệnh trong nước cơ bản được được khống chế. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào Việt Nam vẫn rất cao. Bên cạnh đó, trong thời gian qua vẫn còn một số trường hợp người nhập cảnh trái phép không được cách ly, quản lý vẫn còn nên nguy cơ dịch xâm nhập là rất lớn.