Cùng tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ là bệnh viện tuyến tỉnh duy nhất trên cả nước đang tự chủ nhóm 1 (tự chủ 100%, gồm cả tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên). Bệnh viện có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại vừa được đầu tư xây dựng mới với nguồn vốn xã hội hóa (vay vốn ngân hàng). Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình này phát sinh một số vấn đề cần tháo gỡ, do dịch bệnh COVID-19 nên một số nhà đầu tư rút lại cam kết, bệnh viện gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoạt động của bệnh viện rất có ý nghĩa, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân và đặc biệt là trong việc điều trị hiếm muộn, mang lại hạnh phúc cho nhiều người, nhiều gia đình.
Thủ tướng nhấn mạnh, tự chủ bệnh viện, huy động các nguồn lực xã hội là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng cho rằng cần khuyến khích mô hình tự chủ của một bệnh viện tuyến tỉnh để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với các bộ, ngành để nhanh chóng triển khai công việc liên quan tới kiểm toán, rà soát lại các ưu đãi mà bệnh viện đã được hưởng, các hoạt động đầu tư, hợp tác, liên doanh, liên kết với tư nhân…
Bộ Y tế chủ trì, rà soát lại các hoạt động thí điểm liên quan tới tự chủ bệnh viện, liên doanh, liên kết, trong đó có việc tự chủ tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, đề xuất sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan.
Bộ Tài chính nghiên cứu về vấn đề giảm tiền thuê đất cho bệnh viện, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan, trong đó có Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước.
NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, vận dụng, triển khai việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm với khoản vay của bệnh viện theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.