Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết mục đích chuyến đi là thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu về lập trường của Israel đồng thời thuyết phục các nước này hỗ trợ Israel kiềm chế tham vọng nguyên tử và sự mở rộng ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông. Mục tiêu là vậy, nhưng bản thân ông Netanyahu hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn bởi từ trước đến nay, lập trường của Israel và EU luôn vênh nhau trong vấn đề Iran.
Tất nhiên, việc Đức hay Anh, Pháp “lắc đầu” từ chối Israel trong vấn đề Iran là có lý do. Bởi Đức, Anh, Pháp có nhiều lợi ích kinh tế khi quyết tâm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran. Sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm vận, Iran đã trở thành một thị trường mầu mỡ đối với các doanh nghiệp Đức, Anh, Pháp. Nếu thỏa thuận hạt nhân Iran sụp độ thực sự, Châu Âu sẽ đối mặt với các rủi ro thiệt hại lớn về kinh tế. Hiện nay ba nước Mỹ-Israel-Ả rập Xê-út đã liên kết thành một trục nhằm bao vây Iran. Cách đây vài ngày, Ả rập Xê-út đã quyết định loại các công ty Đức ra khỏi các gói mời thầu tại nước này. Đây có thể xem là thông điệp rất rõ từ trục Mỹ-Israel-Ả rập Xê-út rằng nếu châu Âu vẫn bảo vệ Iran thì thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn.
Chặng dừng chân tại Đức là một ví dụ. Ngày 5/6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo vẫn bất đồng sâu sắc trong vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran. Phát biểu họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Merkel một lần nữa khẳng định Đức, cùng với các đối tác châu Âu, sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp sự rút lui của Mỹ. Mặc dù vậy, bà cũng cho rằng vấn đề ảnh hưởng của Iran ở khu vực Trung Đông là gây quan ngại, đặc biệt cho an ninh của Israel. Thủ tướng Đức thừa nhận giữa hai nước không tìm thấy điểm chung trong mọi vấn đề, song với tư cách đối tác và bạn bè, các bên cần tìm cách hiểu lợi ích của nhau và vẫn còn một loạt vấn đề chung mà hai bên sẽ tiếp tục cần phải giải quyết.
Sau Đức, Thủ tướng IsraeL Benjamin Netanyahu tới Pháp, chặng dừng chân tiếp theo trong chuyến công du một loạt nước châu Âu từng tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015Nếu Đức từ chối, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra bận rộn với một loạt chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, Mỹ và Nga. Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng Israel- Palestine không ngừng leo thang, việc Thủ tướng Israel đi “thuyết khách” EU rõ ràng là một động thái xoa dịu tình hình chứ không thể đạt kết quả.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Israel và Iran vốn chưa bao giờ hòa thuận. Thủ tướng Israel luôn coi Iran là một đe dọa đối với an ninh nước này, trong khi Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei mới đây gọi Israel là “một khối ung thư cần phải cắt bỏ”. Do đó, dù Nga cũng đang có những động thái ủng hộ Israel, nhưng sau Đức, việc Pháp và Anh có nhượng bộ Israel hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Israel sẽ mang “vũ khí” nào ra để thuyết phục, thương lượng và mặc cả với châu Âu. Hiện tại, Israel có 2 vũ khí chính. Đầu tiên, là các hồ sơ mật mà Cơ quan tình báo Israel (Mossad) thu thập được liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, đề cậpđến nhiều dự án bí mật của Iran trong việc làm giàu Uranium ở cấp độ quân sự chứ không chỉ là cấp độ năng lượng hay y tế. Vì thế, ông Netanyahu chắc chắn sẽ sử dụng các tài liệu này để thuyết phục châu Âu thay đổi quan điểm về Iran và chuyển sang hướng buộc Iran tuân thủ một thoả thuận mới khắt khe hơn.
Giới phân tích nhận định trước mắt khó có khả năng châu Âu ngay lập tức thay đổi quan điểm trong việc bảo vệ thoả thuận hạt nhân Iran, do có nhiều ràng buộc, đặc biệt là lợi ích kinh tế như đã kể trên. Ngoài ra, nếu ngay lập tức thay đổi quan điểm vào lúc này thì có thể xem như châu Âu gánh chịu một thất bại chính trị lớn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tham vọng của khối này trong việc thực thi các chính sách đối ngoại và an ninh tự chủ và độc lập hơn với Mỹ. Song, xét về lâu dài, châu Âu khó có thể duy trì thế đối đầu trực diện với Mỹ, do những ràng buộc kinh tế và chính trị quá lớn. Do đó, trong giai đoạn tới, châu Âu sẽ tìm kiếm một giải pháp dung hoàgiữa các bên, nhằm giảm thiểu những tác động nguy hiểm từ sự đổ vỡ thực sự thỏa thuận hạt nhân Iran.