Ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen các kíp phẫu thuật của Học viện Quân y, Bệnh viện 103 cùng các chuyên gia Nhật Bản đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người. Theo Thủ tướng, sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng của nền y học Việt Nam. Cùng với các kết quả Việt Nam đã đạt được trong ghép thận, ghép gan, ghép tim... trước đó, thành công của ca ghép phổi lần này đã khẳng định năng lực, trình độ của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam nói chung, các bác sĩ quân y nói riêng đã góp phần nâng cao uy tín và niềm tin vào nền y học nước nhà.
Thư khen của Thủ tướng nhấn mạnh, thành tích này của các đồng chí đã tô đẹp thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và ngành y tế, góp phần thiết thực chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2017).
Thay mặt Chính Phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương thành tích của tập thể giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế Học viện Quân Y, Bệnh viện Quân Y 103. Thủ tướng tin tưởng rằng, phát huy kết quả đã được cùng với thực hiện lợi dạy Lương y như từ mẫu của Bác Hồ kính yêu, các đồng chí sẽ tiếp tục được nhiều thành công hơn nữa trong lĩnh vực ghép tạng nói riêng và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung.
Thủ tướng cũng gửi lời chúc mừng cháu Lý Chương Bình, gia đình cháu và cảm ơn sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản.
Nhân dịp sắp đến ngày Thầy thuốc Việt Nam27/2, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế trong cả nước. Chúc các đồng chí sức khoẻ và hạnh phúc, thành công.
Các thầy thuốc của Bệnh viện 103 và chuyên gia Nhật đang thực hiện ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam
Trước đó, ngày 22/2, Bệnh viện 103, Học viện Quân Y cho biết, một bệnh nhi 7 tuổi ở Hà Giang bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp được ghép cả 2 lá phổi từ người hiên là bố và bác ruột. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép diễn ra ngày 21/2, do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Người được ghép phổi là bệnh nhi 7 tuổi; bố bé (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi) mỗi người tặng bé một phần phổi của mình để tạo thành 2 lá phổi cho con. Cuộc mổ kéo dài khoảng 11 giờ. Theo chuyên gia của Nhật, sau khi được ghép phổi, bé có thể sống đến 60,70 thậm chí 80 tuổi.
GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, sau mổ cả bố và bác ruột đều ổn định sức khỏe. Bệnh nhi đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.
Bé bẩm sinh bị giãn phế quản lan tỏa 2 phổi, đã biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ 3, có chỉ định ghép phổi. Từ 2 tháng tuổi trẻ đã có biểu hiện lâm sàng khò khè, khó thở, khi khóc to người tím tái. Bé thường xuyên bị nhiễm trùng.
Theo GS Đỗ Quyết, ghép phổi là một trong những cuộc ghép rất khó, không giống các tạng khác. Một trong những điều quan trọng với thành công của ca phép là chọn phổi khỏe để ghép. Rất may trong ca ghép này, tỷ lệ hòa hợp rất cao. Các bác sĩ đã cắt lấy thùy phổi dưới của người tặng để thay thế cả 2 lá phổi cho trẻ.