Hà Nội

Thủ tướng gửi thư kêu gọi nỗ lực giảm thiểu sử dụng túi nylon, rác thải nhựa

02-05-2019 15:48 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư biểu dương các siêu thị vừa qua đã chủ động sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nylon nhằm bảo vệ môi trường; đồng thời kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa.

Cụ thể, trong bức thư  gửi các siêu thị: Co.op mart Việt Nam; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op); Các siêu thị: Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương các doanh nghiệp này đã chủ động triển khai biện pháp thiết thực, cụ thể, giảm thiểu tác hại của túi nylon, góp phần tích cực nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nylon của các siêu thị và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống, vì lợi ích cộng đồng.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và UBND các cấp chủ động thực hiện các giải pháp, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm dần việc sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, phát triển bền vững.

Trước đó, việc một số doanh nghiệp như: hệ thống chuỗi các siêu thị Co.op mart Việt Nam, siêu thị Big C Đà Nẵng, siêu thị Big C Hà Nội, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op),… đã triển khai sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nylon được đánh giá là biện pháp thiết thực để hạn chế việc sử dụng và thải rác nylon ra môi trường, và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng.

Việc sử dụng túi nilon đang rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Sử dụng túi nilon mang đến sự tiện lợi rất lớn cho người dùng với giá thành rất rẻ, tuy nhiên nó đang là bóng ma tàn phá ghê gớm cho môi trường và con người. Những đồ vật nhựa có kích thước lớn có thể mắc kẹt trong cổ họng của động vật, hoặc làm hỏng dạ dày, chiếm vị trí trong dạ dày khiến chúng không thấy đói, lâu dần sẽ suy kiệt và chết.

Nhưng nguy hiểm hơn là hạt vi nhựa. Hạt nhựa siêu vi (rất nhỏ) đến từ nguồn do rác thải nhựa phân hủy có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật biển, qua đó nhiễm vào và phá hủy tế bào trong cơ thể người khi ăn cá và các loại sinh vật biển. Mới đây, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học California (Mỹ) và Đại học Inđônêxia đã thu gom những con cá được bán ở các chợ thuộc vịnh Half Moon và Princeton (bang California, Mỹ) và biển Makassar (Inđônêxia) về để phân tích. Họ phát hiện ra rằng, ở Inđônêxia, 28% tổng số cá thể cá và 55% loài động vật biển được lấy mẫu có rác thải nhựa trong dạ dày và đường ruột. Tại Mỹ, rác thải nhựa được tìm thấy trong 25% cá thể cá và 67% các loài động vật biển được lấy mẫu. Các hạt nhựa nhân tạo cũng được tìm thấy trong 33% mẫu cá thể động vật có vỏ (tôm, cua, sò, ốc…)

Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018: Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41kg/năm/người vào năm 2015.

Mặc dù việc nhập khẩu phế liệu nhựa đã từng bước được "kiểm soát", từ năm 2016 - 2018, Bộ TN&MT cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu nhựa cho 37 doanh nghiệp làm nguyên liệu sản xuất, trong tổng số 208 doanh nghiệp được cấp, có 34 đơn vị nhập khẩu trực tiếp, 3 đơn vị nhập khẩu ủy thác. Tuy nhiên, lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vẫn tăng, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.

Thống kê của Bộ TN&MT cũng cho thấy, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm 7 - 8%, chỉ tính riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi ni lông của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".



Nguyễn Tùng
Ý kiến của bạn