Thủ tướng: Giáo dục cần phải được quan tâm đúng mức, tạo động lực phát triển đất nước

19-08-2024 15:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức.

10 điểm sáng nổi bật của ngành Giáo dục năm học 2023-2024

Dự và phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, GD&ĐT có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người; qua đó góp phần quyết định sự vận động và phát triển của xã hội; là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong 3 đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trong suốt thời gian qua, đặc biệt là 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Thủ tướng: Giáo dục cần phải được quan tâm đúng mức, tạo động lực phát triển đất nước- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan tâm giáo dục và đào tạo để tạo động lực, nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bày tỏ đồng tình về kết quả năm học 2023-2024, Thủ tướng đã nêu lên 10 điểm sáng nổi bật như: Công tác tổng kết Nghị quyết 29 được tập trung thực hiện và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91 ngày 12/8/2024; Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển GD&ĐT tiếp tục được quan tâm. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển, đảm bảo tốt nhất quyền lợi học tập của học sinh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu đào tạo nhân lực của đất nước; Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi; Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định; Đào tạo giáo dục đại học ngày càng được chú trọng và được cải thiện rõ rệt về chất lượng; Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn; Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về số lượng theo quy định; Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới 2024-2025

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ cơ bản đồng ý trong báo cáo của Bộ GD&ĐT và các đại biểu về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho năm học 2024-2025. Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, đó là: chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới; tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới GD&ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT.

Thủ tướng: Giáo dục cần phải được quan tâm đúng mức, tạo động lực phát triển đất nước- Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bên cạnh đó là tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm chi phí, tạo thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "GD&ĐT cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, mang lại hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân. Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; cùng với sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục; cần sự quyết tâm, nỗ lực và hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội".

"Chất lượng đội ngũ giáo viên là "điểm nghẽn" cơ bản nhất của giáo dục hiện nay"'Chất lượng đội ngũ giáo viên là 'điểm nghẽn' cơ bản nhất của giáo dục hiện nay'

SKĐS - GS. Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, vấn đề được coi là 'điểm nghẽn' cơ bản nhất của giáo dục hiện nay cần giải quyết là chất lượng đội ngũ giáo viên.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn