Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc: “Mật đã không còn ngọt”

12-06-2016 14:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - **Hôm qua (12/6), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dẫn đầu đoàn Chính phủ Đức tới Bắc Kinh (Trung Quốc) để tiến hành cuộc tham vấn thứ 4 giữa Chính phủ hai nước. Diễn ra trong 4 ngày, đây là chuyến thăm Trung quốc lần thứ 9 của bà Merkel. Dù đã có một thập kỷ gây dựng quan hệ vàng son, song, đã có nhiều ý kiến cho rằng quan hệ Đức-Trung Quốc đang dần thoái trào do những động thái từ Trung Quốc.

Phát biểu tại Berlin trước khi lên đường, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh ý nghĩa "rất quan trọng" của các cuộc tham vấn này, góp phần củng cổ và đẩy mạnh hợp tác rộng rãi giữa hai nước. Trong năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Đức với Trung Quốc đạt khoảng 163 tỷ euro. Đức vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ tư của Đức (sau Pháp, Mỹ và Anh) và là thị trường tiêu thụ quan trọng nhất thế giới cho hàng hoá máy móc của Đức.

Báo chí Đức nhận định bà Merkel đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến công du tới Trung Quốc lần này. Nhưng báo chí Đức cũng thông tin rằng bà Merkel đang phải chịu một sức ép rất lớn từ phía các doanh nghiệp Đức khi Trung quốc liên tiếp áp dụng các chính sách cứng rắn về đối ngoại, trong đó Bắc Kinh không còn coi trọng các doanh nghiệp châu Âu. Một báo cáo hôm 7/6 của Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Trung quốc cho biết các doanh nghiệp EU, trong đó có Đức than thở rằng “họ bị bắt hủi và bị phân biệt đối xử” tại Trung Quốc. Cụ thể, 56% doanh nghiệp được hỏi cho biết hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn, tăng thêm 5% so với năm 2015 ; 57% cho rằng các pháp chế về môi trường mà Trung quốc triển khai được áp dụng để chống các doanh nghiệp nước ngoài ; 70% cảm thấy không được chào đón nhiệt tình tại Trung Quốc.

Chính vì thế, một câu hỏi đặt ra trong chuyến thăm Trung quốc lần thứ 9 của bà Merkel là chính phủ Đức sẽ có thái độ thế nào đối với Bắc Kinh?

Bề ngoài có vẻ nồng ấm, nhưng quan hệ Đức-Trung quốc lại tồn tại nhiều bất đồng

Hiện tại, giữa Trung Quốc với châu Âu nói chung và với Đức nói riêng đang tồn tại nhiều bất đồng. Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, ngoài những bất đồng cũ chưa được giải quyết, như vấn đề bảo hộ mậu dịch, vi phạm bảo quyền,châu Âu cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, Trung Quốc hạn chế doanh nghiệp châu Âu mở rộng hoạt động trong một số lĩnh vực..., thì gần đây phát sinh thêm một số bất đồng mới như: châu Âu không công nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc, hay vấn đề dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc tác động xấu đến kinh tế châu Âu, những khúc mắc giữa Đức và Trung quốc xung quanh vấn đề thép nhập khẩu giá rẻ của Trung quốc vào EU.

Giới phân tích cho rằng do môi trường kinh doanh của Trung Quốc ngày càng khó khăn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, giá lao động tăng, chính sách kinh tế thiếu minh bạch đã tác động xấu đến tâm lý doanh nghiệp châu Âu. Báo cáo kết quả điều tra niềm tin doanh nghiệp năm 2016 của Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc công bố cho biết, có tới 41% doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc có kế hoạch cắt giảm nhân sự để giảm chi phí sản xuất, và có tới 53% cho biết không có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Trung Quốc.

Ngoài ra, Đức, với tư cách là đồng minh thân cận của Mỹ  là nước theo đuổi chính sách thực dụng nhất đối với Trung Quốc trong số các nước châu Âu. Đức đã từng rốt ráo yêu cầu Trung quốc phải tuân thủ các nguyên tắc về dân chủ nhân quyền. Mặc dù trong các diễn đàn song phương, Đức luôn né tránh đề cập các vấn đề nhạy cảm, nhưng tại các diễn đàn đa phương như G7, EU thì Đức lại thể hiện lập trường cứng rắn gây sức ép với Trung Quốc. Mới nhất Nhất, Đức đã đồng thuận ký tên thông qua Tuyên bố chung G7, trong đó có nhiều điểm lên án các hành động hiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc.

Do đó, mặc dù bề ngoài có vẻ nồng ấm, nhưng thực chất bên trong, trong quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Đức tồn tại nhiều bất đồng cả về chính trị và kinh tế, thương mại. Một điều chắc chắn, khi Trung quốc tiếp tục hiện thực hoá tham vọng độc chiếm Biển Đông cũng như lật lọng trong việc tuân thủ các nguyên tắc quốc tế, thì cũng giống các quốc gia khác, Đức sẽ ngày càng cảnh giác với tham vọng chính trị của Trung Quốc.

 


N.Quang
Ý kiến của bạn