Thủ tướng Đức thăm Nga: Tháo gỡ các hồ sơ quốc tế nóng

16-01-2020 07:36 | Quốc tế
google news

SKĐS - Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Nga vừa có cuộc hội đàm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ các hồ sơ quốc tế nóng.

Một lần nữa vai trò của Nga trong các vấn đề toàn cầu lại được đề cập tới. Vì sao Đức lại cần tới Nga?

Cuộc thảo luận giữa bà Merkel và ông Putin trong tuần kéo dài hơn dự kiến và ngay khi bắt đầu cuộc họp báo chung, Thủ tướng Đức nói rằng “hai bên có quá nhiều vấn đề cần thảo luận”. Đúng là đã rất lâu bà Merkel không tới Nga, có chăng chỉ là điện đàm về một vài vấn đề nóng nào đó. Lần gặp mặt trực tiếp gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo là cuộc gặp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy ở Paris (Pháp) để thảo luận về vấn đề Ukraine (tháng 12/2019). Thực tế, Đức đang rất cần sự ủng hộ của Nga trong một loạt vấn đề như việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, giải quyết vấn đề Syria, Libya, xung đột ở miền Đông Ukraine và dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Về phần mình, Moskva cũng muốn nhận được sự ủng hộ của Berlin cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 để có thể tiếp tục hoàn thiện dự án đưa khí đốt từ Nga tới Đức.

Nga - Đức bắt tay nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Nga - Đức bắt tay nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Chuyến thăm của bà Merkel tới Moskva được tiến hành sau khi Tổng thống Putin vừa có chuyến công du tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà lãnh đạo Nga đã thông tin cho bà Merkel về kết quả hai chuyến thăm này, trong đó nhận định tình hình hiện nay ở Syria đã ổn định và cấu trúc nhà nước đang được tái lập. Hai nhà lãnh đạo Nga, Đức cũng đã thảo luận về việc tái thiết Syria, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bệnh viện và việc mở thêm hành lang nhân đạo ở Syria. Liên quan vấn đề Libya, Nga hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của Đức tiến hành một hội nghị hòa bình ở Berlin vào cuối tháng này. Tổng thống Putin đánh giá, dù còn nhiều việc phải làm, song việc tiến hành hội nghị hòa bình cho Libya là hướng đi đúng để mang lại hòa bình cho quốc gia này. Vấn đề Libya đặc biệt nóng lên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định can dự vào cuộc nội chiến ở quốc gia Bắc Phi để ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận. Trong khi đó, Nga về lý thuyết không trực tiếp can dự vào Libya, song lực lượng thân Nga lại đứng về phía lực lượng quân đội miền Đông (LNA) do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu chiến đấu với GNA. Đức hy vọng những nỗ lực của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (về một lệnh ngừng bắn từ ngày 12/1) sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Libya. Theo Thủ tướng Merkel, vấn đề Libya cũng như Syria chỉ có giải pháp chính trị, không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự. Trong vấn đề Iran, hai nhà lãnh đạo Đức, Nga khẳng định mục tiêu tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với các cường quốc. Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Iran, cảnh báo chiến tranh sẽ là “thảm họa cho Trung Đông và cả thế giới”.

Một chủ đề quan trọng khác là dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cũng đã được hai nhà lãnh đạo Đức, Nga thảo luận chi tiết. Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ tiếp tục cùng Nga hoàn thiện dự án mang tính kinh tế đơn thuần này, bất chấp các lệnh trừng phạt sai trái của Mỹ. Bà khẳng định Berlin sẽ theo đuổi lợi ích riêng, không bị tác động bởi lợi ích của Mỹ, đồng thời cho rằng dự án “đúng đắn” này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung và Đức cũng như các nước châu Âu khác sẽ được hưởng lợi từ dự án này. Đây được xem là tuyên bố khá mạnh của nhà lãnh đạo Đức, cho thấy Berlin cũng sẽ “không ngại” các lệnh trừng phạt của Mỹ, dù đó là vấn đề năng lượng hay hạt nhân Iran vốn bị Mỹ áp đặt trừng phạt. Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng khẳng định chắc chắn sẽ tự hoàn thiện dự án lắp đặt đường ống vào cuối năm 2020 hoặc đầu 2021 mà không cần sự tham gia của các đối tác nước ngoài. Ông cũng đánh giá cao chủ trương của Chính phủ Đức đối với việc xây dựng dự án này.

Có thể thấy rõ vai trò quan trọng của Nga trong việc tìm kiếm giải pháp cho các điểm nóng hiện nay, nhất là ở Trung Đông. Moskva vừa là đối tác chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cũng là đối tác của Israel, đồng thời là nhân tố mang tính quyết định trong vấn đề Syria, chưa kể đến vai trò là đối tác quan trọng của Saudi Arabia. Tổng thống Nga có thể đối thoại với tất cả những nước này. Tất nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Đức lâu nay cũng không lấy gì làm tốt đẹp, song trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, như Thủ tướng Merkel nhìn nhận, thì việc “đối thoại với nhau tốt hơn là nói về nhau”. Rõ ràng, Đức đã thu được kết quả nhất định sau chuyến thăm này, trong khi phía Nga cũng củng cố được sự đồng thuận của Đức cho việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 mà Berlin đang chịu nhiều chỉ trích từ các nước Đông và Đông Nam Âu cũng như những đe dọa trừng phạt từ Mỹ.


N.Minh
Ý kiến của bạn