Hà Nội

Thủ tướng dự Chương trình giới thiệu văn hoá, du lịch Việt Nam tại Trùng Khánh

08-11-2024 17:34 | Thời sự
google news

Tiếp tục chuyến công tác tại Trung Quốc, chiều 8/11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình giới thiệu Văn hoá và Du lịch Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh.

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8 và tham làm việc tại Trung Quốc, chiều 8/11, dự Chương trình giới thiệu văn hóa và du lịch Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch Việt Nam và Trung Quốc, mang lại hiệu quả thiết thực với phương châm “liên kết chặt chẽ; phối hợp nhịp nhàng; hợp tác sâu rộng; bao trùm, toàn diện; hiệu quả, phù hợp”.

Thủ tướng dự Chương trình giới thiệu văn hoá, du lịch Việt Nam tại Trùng Khánh- Ảnh 1.

Chương trình giới thiệu văn hóa và du lịch Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chương trình giới thiệu văn hóa và du lịch Việt Nam tại Trùng Khánh thuộc chuỗi các hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc và Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025.

Tại chương trình, các cơ quan, doanh nghiệp hai bên đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác phát triển văn hóa, du lịch, thúc đẩy người dân tăng cường qua lại lẫn nhau, góp phần xây dựng cơ sở xã hội vững chắc cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Các ý kiến tại chương trình cho rằng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp và thuận lợi nhất từ trước đến nay, là nền tảng hợp tác tốt đẹp về văn hóa với những giá trị đặc sắc, tiêu biểu từ hai phía… đã tạo đà phát triển mạnh mẽ cho du lịch, đầu tư, thương mại và giao lưu nhân dân trong thời gian qua.

Việt Nam và Trung Quốc có chung biên giới cả đường bộ, đường không và đường biển, rất thuận lợi cho hợp tác du lịch, trao đổi khách giữa hai nước. Việt Nam và Trung Quốc là những đất nước tươi đẹp, khí hậu đủ bốn mùa, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, thiên nhiên hùng vĩ, con người hiền hòa, nồng hậu, mến khách, sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc luôn bổ sung và hỗ trợ cho nhau và là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế.

Việt Nam có 8 di sản thế giới được Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, trong đó 5 di sản văn hóa , 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản thế giới hỗn hợp. Trong khi đó, Trung Quốc, với bề dày văn hóa và lịch sử lâu đời, phong tục tập quán tương đồng, cảnh sắc đa dạng cũng có sức hút đặc biệt đối với du khách Việt Nam. Riêng Trùng Khánh là trung tâm giao thông của khu vực, có hạ tầng cơ sở tiên tiến và hiện đại, thuận lợi cho vai trò là cửa ngõ trao đổi khách du lịch từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại.

Thời gian qua, hợp tác văn hóa, du lịch đã và đang phát triển tích cực, ngày càng phát triển theo chiều sâu, bền vững, là nền tảng quan trọng cho các hoạt động giao thương, đầu tư và một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước.

Hiện trung bình có khoảng 330 chuyến bay qua lại mỗi tuần giữa Việt Nam và Trung Quốc; các tuyến du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng sôi động, sản phẩm liên tục được bổ sung với sự đa dạng về điểm đến, mức giá phải chăng, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường.

Năm 2019, Việt Nam đón hơn 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc, chiếm 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Sau đại dịch, lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, song chưa đạt như trước đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng nằm trong 5 thị trường nước ngoài gửi nhiều khách nhất đến Trung Quốc, với 7,9 triệu lượt khách. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, song hợp tác du lịch, trao đổi khách giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa tương xứng với tầm mức quan hệ và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước.

Thời gian tới, cơ quan quản lý và doanh nghiệp văn hóa, du lịch hai nước sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác Văn hóa và Du lịch Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2023 – 2027; trao đổi chính sách, kinh nghiệm phát triển du lịch; khai thác các tuyến du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch; khuyến khích các hãng hàng không tăng thêm chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc theo nhu cầu thị trường…

Phát biểu tại Chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng tới thăm Trùng Khánh, thành phố tươi đẹp bên sông Trường Giang, với thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan xinh đẹp, văn hóa bản sắc, ẩm thực đặc sắc, con người nghĩa tình, thành phố trẻ nhưng phát triển năng động, toàn diện, nhanh chóng. Đây là địa điểm rất phù hợp để tổ chức Chương trình giới thiệu văn hóa và du lịch Việt Nam.

Thủ tướng dự Chương trình giới thiệu văn hoá, du lịch Việt Nam tại Trùng Khánh- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình giới thiệu Văn hóa và Du lịch Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức các chương trình, ngày hội văn hóa, du lịch Việt Nam tại Trung Quốc, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa, du lịch của nhân dân hai nước, vừa góp phần củng cố tình hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước, có ý nghĩa thiết thực, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 -18/1/2025).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Trung Quốc là nước láng giềng có chung đường biên giới, "núi liền núi, sông liền sông", là nước bạn bè truyền thống xã hội chủ nghĩa và có quan hệ mật thiết với Việt Nam. Trong chặng đường gần 75 năm qua, quan hệ hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, coi đây là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại. Việt Nam ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúc mừng Trung Quốc, cảm ơn Trung Quốc, học tập Trung Quốc” và điều này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc hợp tác văn hóa, du lịch giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng tầm Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với nội hàm "6 hơn" . Trong đó, với nội dung thứ 3 "hợp tác thực chất sâu sắc hơn", hợp tác văn hóa – du lịch là một điểm sáng nổi bật trong quan hệ song phương thời gian qua.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại những quan điểm lớn trong phát triển nền văn hóa Việt Nam: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh của đất nước; văn hóa soi đường cho quốc dân đi; văn hóa có tính dân tộc, khoa học, đại chúng; văn hóa còn thì dân tộc còn.

Thủ tướng dự Chương trình giới thiệu văn hoá, du lịch Việt Nam tại Trùng Khánh- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình giới thiệu Văn hóa và Du lịch Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Mặt khác, hai nước Việt Nam – Trung Quốc đều có truyền thống văn hóa – lịch sử phong phú; có nhiều điểm tương đồng về phát triển văn hóa trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc phát triển du lịch cũng gắn bó với chặt chẽ với phát triển văn hóa, hai lĩnh vực này gắn kết, bổ sung, hỗ trợ, nâng đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện, tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhau cùng phát triển.

Nhấn mạnh Việt Nam đang xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kết nối sâu sắc, chặt chẽ, hiệu quả hơn về văn hóa, du lịch, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng hạ tầng văn hóa và du lịch, kết nối doanh nghiệp, góp phần cụ thể hóa các nội hàm mới của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã thống nhất.

Cùng với đó, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng và đào tạo nhân lực, với định hướng “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”; phát huy vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, du lịch phát triển với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, “cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”.

Nhận định Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp văn hóa, du lịch đẩy mạnh hợp tác, kết nối 2 nước về văn hóa, du lịch, triển khai những chương trình hợp tác, dự án cụ thể, thiết thực để góp phần thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển với tinh thần 20 chữ “liên kết chặt chẽ; phối hợp nhịp nhàng; hợp tác sâu rộng; bao trùm, toàn diện; hiệu quả, phù hợp”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân cùng góp phần cho tình hữu nghị “vừa là đồng chí vừa là anh em” Việt Nam – Trung Quốc ngày càng đơm hoa, kết trái, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, cho hai nước và nhân dân hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng với sự quan tâm của chính phủ hai nước, sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các chủ thể liên quan, hợp tác văn hóa, du lịch giữa hai nước sẽ ngày càng thực chất, hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng dự Chương trình giới thiệu văn hoá, du lịch Việt Nam tại Trùng Khánh- Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao bản ghi nhớ hợp tác về văn hóa và du lịch giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong khuôn khổ chương trình, các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch, vận tải Việt Nam và các đối tác Trung Quốc ký kết và trao đổi 7 bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy thu hút, trao đổi khách hai chiều thời gian tới, trong đó có bản ghi nhớ hợp tác giữa cơ quan du lịch hai nước; giữa Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty TNHH Du lịch và khoa học kỹ thuật Nguyên Chi Lữ Quảng Châu về phát động đưa 299.000 khách đến Việt Nam từ 2024-2030…


Theo Phạm Tiếp (TTXVN)
Ý kiến của bạn