Thủ tướng đề nghị WHO tiếp tục hỗ trợ ngành y tế Việt Nam

12-04-2017 10:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan đang thăm và làm việc tại Việt Nam...

Tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan đang thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị WHO tiếp tục hỗ trợ ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới vì mục tiêu không ngừng hoàn thiện bộ máy y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trong thời kỳ mới.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn WHO những năm qua đã thường xuyên quan tâm, hợp tác chặt chẽ với ngành y tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đem lại cho Việt Nam những bài học quý. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó chú trọng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng về việc đề cao công tác y tế dự phòng, bà Margaret Chan đề nghị Việt Nam quan tâm nhiều hơn nữa trong việc hợp tác với WHO, nhất là trong lĩnh vực này.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan. Ảnh: Quang Hiếu

Chúc mừng Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, đặc biệt là phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà Margaret Chan đã đưa ra một số khuyến nghị như Việt Nam hình thành cơ quan độc lập để đánh giá chất lượng các mặt hàng thuốc và công nghệ mới trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, Việt Nam cần có quy chế chặt chẽ trong việc cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ y bác sĩ sau khi tốt nghiệp đào tạo và trong thời gian tối đa 3 năm phải được đánh giá, cấp phép lại để bảo đảm chất lượng hành nghề. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo bác sĩ đa khoa, nhất là bác sĩ gia đình để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu với tư cách “người gác cổng” cho sức khỏe người dân. Việc này còn giúp giảm chi phí y tế và nhất là giảm tình trạng khám, chữa bệnh vượt tuyến.

Khẳng định vai trò cần thiết của khu vực chăm sóc y tế tư nhân, bà Margaret Chan cho rằng, Việt Nam cần có quy định chặt chẽ để quản lý, hoạt động của khu vực này đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Tổng Giám đốc Margaret Chan cho biết, WHO sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ tích cực cho ngành y tế Việt Nam và tin tưởng với những nỗ lực vượt bậc, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công mới trong các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân thời gian tới.

Đánh giá cao các khuyến nghị của bà Margaret Chan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy ngành dược liệu với nhiều loại thảo dược quý, có giá trị phòng, chống, chữa bệnh cao. Tán thành với khuyến nghị của bà Margaret Chan về tăng cường hệ thống bác sĩ gia đình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, bên cạnh mô hình này, Việt Nam cũng đang nâng cấp hệ thống trạm y tế cấp xã để phù hợp với mô hình chăm sóc sức khỏe người dân khu vực nông thôn. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị WHO tiếp tục hỗ trợ ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới vì mục tiêu không ngừng hoàn thiện bộ máy y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trong thời kỳ mới.

Tại trụ sở Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiếp đón TS. Margaret Chan cùng đoàn đại biểu Tổ chức Y tế Thế giới. Cùng đi với TS. Margaret Chan còn có TS. Shin Young-Soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO và ông Lokky Wai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp đón, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi tới TS. Margaret Chan lời cảm ơn trân trọng tới Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan chuyên môn y tế cao nhất của Liên hợp quốc đã hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả cho ngành y tế Việt Nam trong suốt thời gian qua. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian tới (Kế hoạch Phát triển y tế giai đoạn 2016-2020), Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống y tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, công bằng và bền vững; củng cố và nâng cao hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường bảo vệ tài chính hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao sức khỏe thể chất của người dân.

TS-CT
Ý kiến của bạn