Thủ tướng: Chống dịch nCoV, không chủ quan nhưng không bi quan, hoang mang

04-02-2020 20:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều ngày 4/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chúng mới của virus Corona (nCoV) cho biết, hiện nay phương pháp xét nghiệm bệnh đã tốt hơn, chuẩn bị đưa về Việt Nam các que thử xét nghiệm. Đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị. Theo Phó Thủ tướng, một số tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đại diện của WHO đồng tình với các biện pháp mà Việt Nam đang triển khai. Về vấn đề, thời điểm nào dịch đến đỉnh điểm, hiện có nhiều nhận định khác nhau, có ý kiến cho rằng, 7-10 ngày nữa dịch nCoV tại Trung Quốc đến đỉnh dịch, có ý kiến nhận định là từ 1 tháng đến 1 tháng rưỡi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây là căn bệnh dễ lây, khó phòng. Biện pháp quan trọng nhất hiện nay là cách ly. Hiện nay có 3 vòng cách ly là cách ly tuyệt đối người bệnh, nghi nhiễm bệnh; vòng hai là cách ly 14 ngày những trường hợp người nhập cảnh Việt Nam đến từ các vùng dịch của Trung Quốc; những người tiếp xúc xung quanh thì cách ly hạn chế. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, việc cách ly đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là các địa phương. Cách ly tốt thì mới phòng chống dịch hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, đang thực hiện chặt chẽ các biện pháp để khống chế dịch vào Việt Nam. Trước thông tin vẫn còn người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, trong số người nhập cảnh biên giới Việt-Trung ngày 3 và 4/2 không có người Trung Quốc nào. Trong khi xuất cảnh qua biên giới Việt-Trung là hơn 1.300 trường hợp đều là người Trung Quốc.

Tại Việt Nam, với 10 bệnh nhân đã ghi nhận cho đến nay, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng dịch đã ở “thế hệ thứ 2”, tức là có bệnh nhân F2 - người không đi lại ở Trung Quốc mà lây bệnh tại Việt Nam (F1 là người mang bệnh từ Trung Quốc sang). Đặc biệt, bệnh nhân dương tính mới nhất ở Vĩnh Phúc không sống cùng bệnh nhân nguồn lây,  chỉ tiếp xúc, gặp gỡ bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua và lây bệnh. Thứ trưởng khẳng định, ngành y tế sẵn sàng, chuẩn bị trang thiết bị, thuốc men đầy đủ; coi mỗi ca phát hiện nhiễm bệnh là một ổ dịch và phải dập dịch ngay tại địa bàn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta đã chỉ đạo chủ động, quyết liệt và đồng bộ. Các tổ chức quốc tế như WHO và UNICEF đánh giá cao các biện pháp của Việt Nam. Cho rằng dịch còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, nhưng cũng không bi quan, hoang mang, từ tuyên truyền đến cách làm. Tiếp tục chủ động ứng phó trên tất cả các mặt trận, từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kể cả kinh tế, xã hội. “Chúng ta đã nói là chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển”, Thủ tướng nói. Một số ngành như hàng không, du lịch, nông nghiệp cần có phương án tái cơ cấu sớm. Triển khai ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu các tác động về kinh tế của dịch.

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, nhưng cũng không bi quan, hoang mang, từ tuyên truyền đến cách làm

Thủ tướng nhấn mạnh, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân phòng chống thì mới có kết quả. Không để dịch bệnh lây lan, coi chống dịch như chống giặc, quyết liệt, cụ thể, nhanh chóng, kịp thời hơn. Bộ Y tế rà soát lại kịch bản, phương án ứng phó đã được giao, nhưng không gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế đối với công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc và những người từ Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trong 14 ngày. Sàng lọc và điều trị theo tinh thần “4 tại chỗ”; hạn chế tối đa lây chéo, kiểm tra phương tiện, trang bị, vật tư, thuốc để phục vụ phòng chống dịch.

Bộ Ngoại giao chủ động có văn bản trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch bệnh của Việt Nam. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Công an tạo điều kiện thuận lợi để công dân Trung Quốc về nước. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc quản lý nghiêm ngặt việc xuất nhập cảnh, đi lại ở cửa khẩu. Chỉ đạo bộ đội biên phòng kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra việc thực hiện dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và giảm quy mô các lễ hội tại địa phương; phối hợp với các tỉnh đã công bố dịch triệt để thực hiện việc dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc.

Các địa phương theo nhiệm vụ, chức năng được giao kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, đưa tin thất thiệt về dịch bệnh, kể cả khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, UBND các địa phương phải làm tốt việc này, kể cả việc tuyên truyền, nêu các tấm gương trong phòng chống dịch.



TS
Ý kiến của bạn