Hà Nội

Thủ tướng: Chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ

21-08-2020 19:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Phát biểu kết luận phiên họp của Thường trực Chính phủ, bàn giải pháp phòng, chống COVID-19 chiều ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn manh: Chúng ta xác địch chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có thuốc đặc trị và văc xin phòng dịch thì chúng ta vẫn phải chung sống với dịch bệnh

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, dịch vẫn còn phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát, kể cả ở địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn.

Qua đợt dịch này, chúng ta rút ra nhiều bài học trong quá trình chỉ đạo, trong đó có tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chỉ đạo, thực hiện; xét nghiệm nhanh, rộng, ứng dụng các phần mềm như Bluezone, truyền thông thông tin kịp thời, người dân ủng hộ, nhất là hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Trung ương và địa phương chỉ đạo quyết liệt nhưng linh hoạt, bảo đảm an toàn, kiểm soát nhưng vẫn thực hiện mục tiêu kép.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp             Ảnh VGP

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan mạnh trên toàn cầu, nước ta hội nhập sâu rộng, do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, các cấp, các ngành, đặc biệt ngành y tế không được chủ quan, phải tập trung, làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng.

“Chúng ta xác địch chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng dịch thì chúng ta vẫn phải chung sống với dịch bệnh”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh toàn cầu sụt giảm, tăng trưởng âm, chúng ta là nước mới thoát nghèo, chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép, vừa đề phòng, khống chế bằng được COVID-19, phong tỏa kiên quyết, chặn đứng nguồn lây ở các ổ dịch thì vẫn phải duy trì hoạt động kinh tế-xã hội ở mức độ cần thiết.

Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần phải cương quyết, sát sao, tỉnh táo chỉ đạo 2 nhiệm vụ này để làm sao đạt hiệu quả tối ưu. Không được để dịch bệnh lây lan bùng phát, đồng thời không để người dân quá lo lắng, bất ổn về cách ly xã hội.

Cần tăng cường hệ thống xét nghiệm, nâng cao khả năng xét nghiệm lên một tầm mới, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân xét nghiệm. Ngành y tế cần suy nghĩ về việc nhận diện, chẩn đoán sớm nguy cơ mắc COVID-19 đối với các bệnh nhân có biểu hiện dù là nhẹ nhất. Cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao, là người có bệnh lý nền, người cao tuổi dễ bị tử vong.

Không được để xảy ra ổ dịch, nhất là tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải làm nhanh hơn, làm sớm hơn, cương quyết hơn bởi vì đây là nơi chữa bệnh, dễ lây nhiễm. Từ các trạm xá ở vùng nông thôn miền núi đến các bệnh viện huyện, trung ương cần chủ động nâng cao nghiệp vụ phòng, chống dịch. Trong đó có việc hướng dẫn phân luồng hợp lý, an toàn... Nhân dịp này phải chú trọng  nâng cao công tác y tế dự phòng cả nước.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, xuất hiện ca bệnh thì phải khoanh gấp, kịp thời, không để xảy ra ổ dịch lây lan diện rộng. Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bao quát công tác phòng, chống dịch. Cần có văn hóa ứng xử trong bối cảnh có dịch, đặc biệt là văn hóa đeo khẩu trang trong trường học, bệnh viện, trên phương tiện công cộng, ở nơi đông người. Thủ tướng nhất trí với ý kiến cho rằng cần có chế tài bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi cần thiết. Cần tuyên truyền, vận động nhân dân cài đặt các ứng dụng phần mềm phòng chống dịch như Bluezone.

Hệ thống khai báo y tế cần phải thuận lợi, tránh mất thời gian. “Văn hóa ứng xử trong thời kỳ dịch bệnh cần được phổ cập hơn nữa, kể cả rửa tay thường xuyên, giãn cách xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, tinh thần cảnh giác với dịch bệnh”, Thủ tướng nêu rõ.

Ảnh VGP

Kiểm soát chặt chẽ người nhập cư trái phép trong nội địa và quản lý biên giới; xử lý các chủ khách sạn, các cơ sở lưu trú sử dụng lao động nhập cư trái phép.

Theo dõi, nắm chắc tình hình, không để dịch bùng phát, nếu có phải nhanh hơn, nhạy cảm hơn, chính xác, kịp thời hơn đối với mọi đối tượng có nguy cơ lây nhiễm là một yêu cầu đặt ra đối với công cuộc phòng, chống dịch. Các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý vào Việt Nam phải được cách ly phù hợp, trong đó có trách nhiệm của người mời, đặc biệt chính quyền địa phương.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thảo luận với các địa phương, sớm có phương án để giải quyết vấn đề này, trong đó bàn với Chủ tịch UBND Quảng Nam, Đà Nẵng và một số địa phương có học sinh thuộc diện F1, F2 để tiếp tục tổ chức tốt đợt thi tới trên tinh thần bảo đảm an toàn; chuẩn bị cho khai giảng năm học mới linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi địa phương.

Thủ tướng cho biết, sẽ sớm sửa đổi chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc, không có thu nhập một cách thuận lợi hơn nữa, phương án này Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ sớm trình Chính phủ.

 

Đà Nẵng sẽ khống chế được dịch vào cuối tháng 8

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết tuần vừa qua, mỗi ngày Thành phố ghi nhận 2-6 ca nhiễm COVID-19, đa số trong đó nằm trong sự kiểm soát. Hằng ngày, có 5-10 ca xuất viện, giảm tải được áp lực tại các bệnh viện.

TP. Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp đúng đắn, đồng bộ, kịp thời, tiến tới sẽ khống chế được dịch vào cuối tháng 8, lãnh đạo TP. Đà Nẵng nêu rõ. Về năng lực xét nghiệm, hiện công suất xét nghiệm của ngành y tế Thành phố đạt khoảng 13.000 mẫu/ngày.

Đến nay, đã xét nghiệm 171.000 mẫu, xấp xỉ 1/3 số xét nghiệm cả nước nhờ tăng số lượng các cơ sở xét nghiệm và áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp nhóm. Năng lực xét nghiệm chính là "chìa khóa" giúp TP. Đà Nẵng "đón đầu", "ngăn chặn" việc lây nhiễm dịch.

Bên cạnh đó, Thành phố đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp lên phương án thực hiện kỳ thi tốt nghiệp cho hơn 10.000 học sinh.

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến nay, có hơn 20 triệu cài đặt ứng dụng Bluezone, trong đó, 10 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ cài đặt chiếm 20-45% dân số, bắt đầu truy vết có hiệu quả, phát hiện 1.400 trường hợp F1, F2 nhanh, chính xác. Ở Hải Dương, ứng dụng giúp truy vết 730 trường hợp một cách chính xác.

Thái Bình
Ý kiến của bạn