Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Ngành y tế tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn

13-01-2017 10:56 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều 12/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng chủ trì hội nghị.

Chiều 12/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị diễn ra tại 700 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của 12.000 người.

Hoàn thành vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2016 của ngành y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày cho biết, năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, Bộ Y tế đã đề ra và triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình, đề án với mục tiêu lấy người bệnh là trung tâm phục vụ. Theo đó, ngành y tế đã đạt một số kết quả như đổi mới, đột phá và triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh và được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2016; Chỉ số cải cách hành chính của Bộ do Chính phủ công bố của ngành y tế đã tăng 9 bậc so với năm 2015, từ xếp thứ 17/19 bộ, ngành lên thứ 8/19 bộ, ngành; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 81,7%, vượt mục tiêu Quốc hội giao là 5,7%, vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 2,7%, đã đạt được mốc trên 80% dân số tham gia BHYT vào năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng ảnh Bác Hồ cho lãnh đạo Bộ Y tế. Ảnh: T.M

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng ảnh Bác Hồ cho lãnh đạo Bộ Y tế. Ảnh: T.M

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, đầu năm 2016 đã có em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ tại nước ta, đến nay có hơn 30 trường hợp đã sinh con trong số 200 hồ sơ mang thai hộ được duyệt và thực hiện. Năm 2016, ngành y tế thực hiện việc đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại 36 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, góp phần giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước... Ngành y tế đã sản xuất thành công vắc-xin phối hợp sởi - Rubella và dự kiến đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017. Về phát triển y tế kỹ thuật cao, lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện phẫu thuật nội soi bằng robot cho người lớn. Ngoài ra, Bộ mã danh mục dùng chung trong quản lý KCB và thanh toán BHYT được xây dựng và triển khai rộng rãi, hoàn thành việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa cơ sở KCB với cơ quan BHXH nhằm quản lý đầy đủ, chính xác thông tin về người bệnh và thuận lợi trong thanh toán chi phí KCB BHYT.

Năm 2016, ngành y tế tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế và Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo điều kiện cho ngành y tế tiếp nhận các hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật. “Những nỗ lực của ngành y tế năm 2016 đã làm cho tình hình sức khỏe của người dân tiếp tục được cải thiện thông qua các chỉ số sức khỏe cơ bản đều được nâng lên. Năm 2016, ngành y tế đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là chỉ tiêu về số giường bệnh trên 10.000 dân; Tỷ lệ dân số tham gia BHYT giao 76%, đạt 81,7% (vượt 5,7%). Đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu cơ bản của ngành” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Bên cạnh đó, còn có một số kết quả quan trọng của ngành y tế ở các lĩnh vực khác như chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra; Tiếp tục triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để giảm quá tải BV, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, đưa vào sử dụng nhiều công trình BV; mở rộng mạng lưới BV vệ tinh đến tất cả 63 tỉnh, thành phố; cải tiến quy trình khám bệnh; thực hiện kiểm tra, đánh giá BV theo Bộ 83 tiêu chí chất lượng; Xây dựng mô hình đổi mới đào tạo y khoa tại Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế với điểm thay đổi chính là phân định rõ hai hướng đào tạo là hệ nghiên cứu...

Lấy trọng tâm là y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe cho người dân

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là hội nghị có kỷ lục với trên 12.000 người tham dự, tại 700 điểm cầu nên mang tính chất lan tỏa rất quan trọng. Thủ tướng nhất trí với báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của ngành do Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày.

Theo Thủ tướng, trong năm qua đất nước ta gặp nhiều thiên tai, nhân tai, tuy nhiên, đất nước cũng đã có sự phát triển. Đóng góp vào sự phát triển chung đó có sự đóng góp trực tiếp của ngành y tế, của cán bộ ngành y tế. Trong năm qua, ngành y tế đã có những bước phát triển toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ công tác, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành đã nỗ lực không để dịch bệnh lớn xảy ra, đồng thời thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng KCB. Thủ tướng vui mừng nói, chúng ta tự hào về trình độ chuyên môn của cán bộ y tế nước ta, đặc biệt là tuyến dưới tiếp tục nâng cao, nhiều giáo sư, bác sĩ ở nước ta có chuyên môn cao ngang tầm các nước trên quốc tế, hiện nay có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam học tập về chuyên môn, nghiệp vụ; Ngành y tế cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khám và điều trị cho người dân, đã chinh phục các ca mổ khó; Đặc biệt số người tham gia BHYT đã về đích sớm 4 năm so với kế hoạch đề ra...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác y tế năm 2017  Ảnh: TM

Thủ tướng cũng ghi nhận việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính y tế theo hướng tính đúng, tính đủ... đồng thời tiếp tục hỗ trợ người nghèo, vùng sâu, vùng xa trong chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế; Công tác phối hợp trong thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) được đẩy mạnh khiến tỷ lệ vi phạm về ATTP giảm, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm; công nghiệp dược, y học dân tộc đã được chú trọng. Bên cạnh đó, dù thiên tai, lũ lụt xảy ra nhưng ngành y tế vẫn làm tốt công tác cung ứng thuốc, không có dịch bệnh sau lũ xảy ra...

“Ngành y tế đã chủ động phát huy tinh thần phục vụ bệnh nhân của cán bộ y tế theo hướng thay đổi căn bản. Qua thông tin báo chí, tôi biết có 80-90% người dân hài lòng về ngành y, đồng thời chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh cũng đã được nâng lên” - Thủ tướng nói.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, chúc mừng và biểu dương toàn thể những kết quả ngành y tế đạt được trong năm 2016 và gửi lời tri ân đến đội ngũ cán bộ y tế từ thôn bản đến tuyến trên đã đóng góp nhiều, đã lăn lộn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó thực sự là những người anh hùng áo trắng trên khắp mọi miền đất nước.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành y tế, song Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại mà ngành cần khắc phục để ngày càng làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đó là tình trạng quá tải BV vẫn chưa được khắc phục cơ bản, đặc biệt vẫn còn để xảy ra sự cố đáng tiếc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, vấn đề quản trị BV còn nhiều bất cập, không đáng có như vấn đề độc quyền BV; công tác quản lý dược phẩm và trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập, chưa minh bạch... Về thái độ của nhân viên y tế trong công tác chăm sóc người bệnh, Thủ tướng cho rằng, hiện vẫn còn hiện tượng vô cảm trước nỗi đau của người bệnh của một bộ phận nhân viên y tế trong ngành y. Đây là những hành vi làm tổn hại nghiêm trọng đến y đức...

Chỉ rõ những ưu, khuyết của ngành y tế, từ đó Thủ tướng đã đề ra các nhiệm vụ yêu cầu ngành y tế cần tập trung khắc phục, đổi mới mạnh mẽ cách làm, nâng cao chất lượng KCB, lấy trọng tâm là y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe cho người dân; Đẩy mạnh đổi mới nâng cao chất lượng như thủ tục, xếp hàng lấy số, giảm thời gian, nâng cao chất lượng điều trị và đặc biệt là nhân viên y tế cần thay đổi thái độ trong công tác chăm sóc người bệnh từ thái độ ban ơn sang phục vụ, coi người bệnh như người thân của mình.

Để nâng cao chất lượng BV, Thủ tướng chỉ rõ ngành y tế cần công khai đánh giá chất lượng BV cho người dân lựa chọn khám; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các BV tuyến Trung ương, tuyến cuối và chuyển tư duy bao cấp sang kinh tế thị trường; xây dựng mạng lưới y tế cơ sở với tinh thần mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập... Đồng thời tích cực thực hiện đề án tăng cường chất lượng xét nghiệm, thực hiện chấp nhận liên thông công nhận kết quả xét nghiệm giữa các BV trực thuộc Bộ từ tháng 6/2017. Chất lượng dịch vụ y tế rất quan trọng, do đó để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, công khai minh bạch hoạt động KCB và Quỹ BHYT, các cơ sở y tế cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành.

Thủ tướng cũng nêu rõ, năm 2017, ngành y tế cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, thông tin tuyên truyền đến người dân tốt hơn, sâu rộng hơn để người dân có ý thức hơn trong bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, ngành y tế cũng cần đẩy nhanh việc đề xuất trực tiếp xây dựng các chuỗi cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, sớm tổng kết hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP; Phát triển mạnh mẽ công nghiệp dược, y học cổ truyền; Tăng cường hợp tác quốc tế trong ngành y tế, làm sao để có khu chữa bệnh mang tầm quốc tế tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng nêu ra một số câu hỏi liên quan đến hoạt động của ngành và đề nghị ngành y tế nghiên cứu khắc phục, đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả để ngành ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Năm 2017, ngành y tế đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển y tế cơ sở; Giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB; Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng phù hợp với tình hình mới; Phát triển nguồn nhân lực y tế, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế; Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính từ huy động, phân bổ đến sử dụng hiệu quả nguồn tài chính y tế; Tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế từ Trung ương đến địa phương; Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm, dược, vắc-xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế; Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe.

Thái Bình
Ý kiến của bạn