Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Bộ Y tế chiều ngày 12/6/2009: Phòng chống dịch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

13-06-2009 09:06 | Thời sự
google news

Chiều 12/6/2009, tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người (Ban chỉ đạo) về các biện pháp khẩn cấp phòng chống cúm A (H1N1).

Chiều 12/6/2009, tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người (Ban chỉ đạo) về các biện pháp khẩn cấp phòng chống cúm A (H1N1).

*Tính đến 15 giờ ngày 12/6, Việt Nam đã ghi nhận 24 trường hợp mắc cúm A (H1N1).

* Mỗi ngày có 12.000 người từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu kiêm Truởng ban chỉ đạo, cho biết: Tính đến ngày 12/6/2009, thế giới đã ghi nhận khoảng 30.000 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1) tại 74 quốc gia. Trước tình hình khẩn cấp như trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn quốc tiến hành các biện pháp quyết liệt nhất như giám sát chặt chẽ các trường hợp mới mắc, cách ly, khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao. Tại buổi làm việc với Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đề nghị UBND các địa phương tăng cường giám sát dịch tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch; thực hiện nghiêm túc Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 14/05/2009 của Thủ tướng Chính phủ...

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW báo cáo thêm với Thủ tướng về tình hình cúm A (H1N1). Theo ông Hiển, mỗi quốc gia cần phải nâng cao cảnh giác, hợp tác chặt chẽ với nhau, thông báo cho nhau về hình dịch ở mỗi nước. Ông Hiển cũng cho rằng cần phải chủ động đối phó với làn sóng thứ 2 của dịch cúm A (H1N1) có thể xảy ra vào mùa đông này. Để làm tốt công tác ứng phó với đại dịch có thể xảy ra, cần phải tổ chức phối hợp thật tốt giữa các ban, ngành nhằm ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng, triển khai tích cực các biện pháp ứng phó kịp thời và điều trị thật tốt, dứt điểm những ca mắc bệnh. Đến đầu tháng 9 năm nay sẽ có vaccin điều trị cúm A (H1N1), nhưng khả năng cung ứng rất thấp chỉ khoảng 1-1,5 tỷ liều vaccin.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa biểu dương ngành y tế đã làm tốt công việc của mình trong thời gian qua, từ cảnh báo sự nguy hiểm của cúm A (H1N1) cho người dân, đến phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên và khoanh vùng dập dịch. Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phải thường xuyên bám sát, theo dõi kịp thời, cập nhật đầy đủ và thông tin đến nhân dân. “Làm tốt biện pháp này tức là không để dịch lây lan rộng. Phải coi nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Dù khó khăn như thế nào nhưng nếu có giải pháp thích hợp, kịp thời, chúng ta vẫn có thể khống chế được dịch”, Thủ tướng nói.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ Y tế
chiều ngày 12/6/2009. Ảnh: DK

Không được để lây nhiễm chéo cúm A (H1N1)

Trước đó, trưa ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Y tế TS. Nguyễn Quốc Triệu đã làm việc với Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia (CBTN&NĐQG), Bộ trưởng yêu cầu không được để lây nhiễm chéo cúm A (H1N1) cho người nhà và nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân; toàn bộ việc chăm sóc, điều trị, ăn uống, tắm giặt... của bệnh nhân đều do nhân viên y tế thực hiện. Nhân viên y tế chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân cúm A (H1N1) cũng phải bảo đảm phòng hộ tuyệt đối để tránh lây nhiễm ngược. Trong giai đoạn đầu thu dung chờ xét nghiệm bệnh, cố gắng mỗi người một phòng, vì nếu ghép 2 - 3 người/phòng, có thể có người không bị cúm A (H1N1) nhưng lại vô tình lây nhiễm nếu người cùng phòng có kết quả xét nghiệm dương tính. Ngoài ra, với những bệnh lây thông thường, cán bộ viện sẽ giải thích cho bệnh nhân để chuyển người bệnh xuống tuyến dưới, dành giường bệnh, số phòng cách ly cho bệnh nhân cúm A (H1N1).

BS. Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện CBTN&NĐQG cho biết, trong gần 2 tháng qua, Viện đã giám sát 41 trường hợp, trong đó đã phát hiện 11 trường hợp dương tính với cúm A (H3), 1 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1). Tất cả các trường hợp mắc cúm A (H3) đều đã được điều trị khỏi. Theo BS. Hà, hiện số trang thiết bị phòng dịch tại Viện ngoài 2.000 khẩu trang N95, 10.000 khẩu trang phẫu thuật và 6.000 viên tamiflu, Viện đang rất cần thêm dung dịch sát khuẩn cá nhân và khử khuẩn buồng bệnh. Viện cũng đề nghị mua thêm khẩu trang N95 để phòng khi dịch có thể lây lan rộng trong cộng đồng.

Hiện tại, ngoài việc triển khai cách ly và giám sát, tìm hiểu yếu tố dịch tễ, xác định các ca nghi ngờ, Viện còn triển khai tập huấn về phác đồ điều trị và kiểm tra chống dịch tại 4 BV vệ tinh ở Hà Nội là BV Thanh Nhàn, BV Đống Đa, BV Bắc Thăng Long và BV Đức Giang. Các bệnh viện này cũng đã triển khai phòng cách ly, thuốc tamiflu, phương tiện phòng hộ, máy thở để sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân. Viện CBTN&NĐQG cũng tổ chức các đoàn đến một số tỉnh có cửa khẩu biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh hướng dẫn giám sát cúm từ cửa khẩu đường bộ. Thành lập 3 đội phòng chống dịch cơ động, kịp thời đi hỗ trợ các địa phương nếu có trường hợp nghi ngờ.

 Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thăm bệnh nhân cúm A (H1N1) đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: H.H

Phác đồ điều trị cúm A (H1N1) đạt hiệu quả cao

Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu sau khi 5 bệnh nhân cúm A (H1N1) tại TP. HCM đã được điều trị khỏi và ra viện. Bệnh nhân N.C.T. (35 tuổi, cư trú ở khu chung cư Mỹ Đình 2, huyện Từ Liêm, Hà Nội) đang được điều trị tại Viện CBTN&NĐQG cũng đã dứt sốt sau 2 ngày điều trị, không có biến chứng viêm phổi. Theo Bộ trưởng, việc hồi phục sức khỏe nhanh và xuất viện sau thời gian điều trị ngắn ngày là những tín hiệu vui cho thấy phác đồ điều trị cúm A (H1N1) của Việt Nam đạt hiệu quả cao. Bộ trưởng cũng đánh giá cao công tác chủ động phòng chống, khoanh vùng dịch bệnh của y tế Hà Nội đối với ca bệnh cúm A (H1N1) đầu tiên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết thêm, hiện tại, các ca bệnh cúm A (H1N1) mới vẫn có đáp ứng tốt với thuốc kháng virut tamiflu. Đây là một tín hiệu mừng khi mà chủng cúm thông thường là cúm A (H1N1) cũ đã tỏ ra kháng với tamiflu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không điều trị đúng cách thì rất có thể loại virut cúm A (H1N1) mới này cũng sẽ nhanh chóng biến đổi và kháng thuốc. Cần đề phòng trường hợp virut cúm có sự sắp xếp lại gen hoặc tái tổ hợp với một chủng cúm khác tạo nên một chủng cúm mới nguy hiểm hơn và gây ra đại dịch trên toàn cầu theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế thế giới. Để sẵn sàng đối phó với dịch, Ban chỉ đạo đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần chủ động mua sắm trang thiết bị phòng dịch cho địa phương mình.

Hạ Hiền


Ý kiến của bạn