Thông báo cũng nêu rõ, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới vẫn hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan.
Thông báo nêu rõ, về cơ bản, Thủ tướng nhất trí với báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm giải pháp cách ly tập trung các hành khách đi từ vùng dịch vào Việt Nam
Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia và nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân cả nước. Kết quả tích cực mang lại không khí tự tin cho những người làm công tác phòng chống dịch, tâm lý yên tâm cho nhân dân. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới vẫn hết sức phức tạp và khó lường.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm giải pháp cách ly tập trung các hành khách đi từ vùng dịch vào Việt Nam. Các địa phương liên quan, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện, kịp thời phối hợp đề xuất các giải pháp phù hợp để thực hiện chống dịch có hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị như ngoại giao, giao thông vận tải, hàng không phải thông báo rõ cho hành khách về giải pháp cách ly tập trung áp dụng đối với người đến hoặc đi qua vùng có dịch để họ được biết và quyết định việc mua vé đến hoặc về Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh Khung kế hoạch thời gian năm học; trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, xem xét, quyết định theo thẩm quyền thời gian đi học cụ thể của học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Kết luận của Thủ tướng cũng nêu rõ: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm nhưng nhiệm vụ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng cần phải được quan tâm chỉ đạo. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động cập nhật tình hình dịch bệnh, chủ động thực hiện hoặc đề xuất các giải pháp đột phá phù hợp với các kịch bản có thể xảy ra của dịch bệnh, phấn đấu quyết liệt để đạt mục tiêu nhiệm vụ năm 2020 đã phê duyệt.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ các gói chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa... Các ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giữ vững ổn định và phát triển sản xuất, dịch vụ.
Bộ Y tế thông tin về cách ly y tế những người đi qua hoặc đến từ vùng dịch
Ngày 1/3, Bộ Y tế cho biết vừa qua một số cơ quan báo chí đưa tin về việc một số chùa có thể tham gia hỗ trợ thực hiện cách ly những người đi qua hoặc đến từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Theo Bộ Y tế, Bộ đánh giá cao việc các tổ chức, cá nhân mong muốn được đồng hành, ủng hộ, tham gia cùng Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh COVID-19 do chủng mới của Coronavirus là loại dịch bệnh mới, khó kiểm soát; những nhân viên làm việc tại các cơ sở cách ly đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình để hạn chế sự lây lan. Nhân viên y tế làm ở các cơ sở này đều được đào tạo chuyên môn y tế và được trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân. Hiện nay, việc cách ly những người đi qua, đến từ vùng dịch nhập cảnh Việt Nam được giao cho Bộ Quốc phòng và các cơ sở khám chữa bệnh của ngành y tế.
Cũng theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện nay đủ năng lực để xét nghiệm các ca nghi nhiễm COVID-19. Ngoài các viện chuyên ngành như Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố đủ năng lực làm xét nghiệm.
Bộ Y tế đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền để những cá nhân đi qua, đến từ vùng có dịch khi nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo trung thực để các cơ quan chức năng có biện pháp giám sát, hỗ trợ. Đồng thời, khuyến khích người thân, gia đình, cộng đồng của những người đó khai báo với cơ quan y tế.
Ngày 1/3, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng tiểu ban điều trị đã đến làm việc với ngành y tế Thái Nguyên, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch.
Qua thực tế kiểm tra tại Khoa Khám bệnh của BV Trung ương Thái Nguyên trong phân luồng, tiếp nhận và phân phòng khám chưa hợp lý, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê đã yêu cầu BV “phải chặn ngay từ vòng đầu tiên” tức là ngay từ cửa Khoa Khám bệnh. Phải có đường luồng riêng, biển hướng dẫn riêng ghi rõ để những người có yếu tố nghi ngờ như sốt, ho, khó thở... người về từ những nước có dịch phải vào khám tại phòng riêng và người dân đi khám bình thường không đến khu vực đó khám. Ðồng thời yêu cầu đường đi từ ngoài cổng vào khu khám này phải ngắn, tránh để thêm nguy cơ lây lan rộng trong bệnh viện.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Ðặng Ngọc Huy - Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết, đến 9h sáng ngày 29/2, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19. Các cơ sở y tế đã xây dựng sẵn phương án sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh COVID-19 xâm nhập Thái Nguyên theo các cấp độ khác nhau. Các BV tại tỉnh đã chuẩn bị 200 giường điều trị cách ly và có thể lên đến 1.000 giường bệnh.
Ngay sau đó, Ðoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê lưu ý ngành y tế Thái Nguyên, Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh phải có phương án kiểm soát thật tốt người về từ vùng có dịch để tránh dịch bệnh bùng phát, lây lan.