Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường công tác tiêm chủng

30-11-2019 17:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước những thách thức đặt ra trong tình hình mới, như đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp trong sản xuất vắc xin chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cơ sở vật chất tại một số cơ sở tiêm chủng chưa đủ điều kiện, một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng chưa được điều tra, thông tin kịp thời gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường công tác tiêm chủng.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để phòng ngừa dịch bệnh

Tiêm chủng phòng bệnh là một trong những chính sách trung tâm trong các hoạt động y tế công cộng trên toàn thế giới. Sử dụng vắc xin không những có thể phòng được bệnh cho những người được tiêm chủng mà còn có thể bảo vệ được cho những người chưa được tiêm chủng mà tiếp xúc với nguồn bệnh, bảo vệ cộng đồng. Đối với những bệnh đã có vắc xin dự phòng, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để phòng ngừa dịch bệnh, làm giảm mạnh số trường hợp mắc và tử vong.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan bảo đảm đủ nguồn vắc xin cung ứng cho công tác tiêm chủng, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh chủ động của người dân.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác tiêm chủng

Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn tiêm chủng an toàn, giám sát và xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác tiêm chủng trên cả nước, đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng tại tuyến cơ sở. Tăng cường xã hội hóa công tác tiêm chủng nhằm huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống tiêm chủng, tăng thêm các hình thức dịch vụ tiêm chủng, sử dụng thêm nhiều loại vắc xin mới, vắc xin phối hợp.

Đưa vắc xin mới vào tiêm chủng mở rộng theo khuyến cáo của WHO

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình bổ sung vắc xin mới vào tiêm chủng mở rộng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) , phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu góp phần đổi mới cơ chế tài chính cho tuyến y tế cơ sở.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo triển khai công tác tiêm chủng trên địa bàn. Khẩn trương khắc phục những khó khăn tồn tại, đầu tư đủ nguồn lực cho công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tất cả các điểm tiêm chủng có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như cán bộ làm công tác tiêm chủng theo các quy định chuyên môn đã ban hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở tiêm chủng, bao gồm cả tiêm chủng dịch vụ trong và ngoài công lập trên địa bàn.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để phòng ngừa dịch bệnh

Chỉ đạo tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn an toàn tiêm chủng theo các qui định, hướng dẫn của Bộ Y tế, tổ chức tiêm chủng đúng quy trình chuyên môn, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Xử trí kịp thời các sự cố tiêm chủng, quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Cung cấp kịp thời thông tin về tiêm chủng, không để tình trạng đưa tin thiếu chính xác, không đầy đủ tạo dư luận không tốt trong cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến việc tham gia tiêm chủng của người dân. Phối hợp với ngành Y tế thường xuyên tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh nếu không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; trách nhiệm của cha mẹ trong việc đăng ký và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo quy định.

Phối hợp với các bộ ngành trong kiểm soát tỷ lệ tiêm chủng, xây dựng chính sách, thông tin đến người dân...

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục kiểm tra thông tin về tình trạng tiêm chủng của trẻ trước khi nhập học, nhắc nhở tiêm chủng bù nếu trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ; phối hợp với cơ sở y tế trong triển khai công tác tiêm chủng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Y tế xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư vào sản xuất vắc xin, đặc biệt là vắc xin phối hợp, vắc xin thế hệ mới sử dụng trong tiêm chủng mở rộng. Tăng cường đầu tư kinh phí cho cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vắc xin an toàn, hiệu quả.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế bố trí kinh phí cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, tăng chủng loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng phù hợp với khả năng ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng và tính giá vắc xin sản xuất trong nước cung cấp cho Tiêm chủng mở rộng theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo lộ trình.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích và trực tiếp hỗ trợ các cơ sở sản xuất vắc xin trong nước nghiên cứu phát triển, tiếp nhận chuyển giao để làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin thế hệ mới, đặc biệt là vắc xin phối hợp đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước, hướng tới xuất khẩu và nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất vắc xin trong nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan liên quan, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về lợi ích và hiệu quả của tiêm chủng cho các cơ quan thông tấn báo chí có tôn chỉ, mục đích phù hợp và hệ thống thông tin cơ sở để đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông đảm bảo tính khách quan, kịp thời, chính xác nhằm khuyến khích và hướng dẫn người dân tích cực tham gia tiêm chủng, bảo vệ bản thân và cộng đồng, phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành y tế và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác tiêm chủng, người dân tích cực hưởng ứng đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh.


Hải Yến
Ý kiến của bạn