Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội.
Nghiên cứu thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh hành vi lừa đảo
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự như lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai... Đặc biệt, tình trạng lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông gia tăng (như lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng...). Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo nêu trên. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật. Bộ Công an phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2019.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.
Một nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng internet bị cơ quan công an bắt giữ.
Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo qua mạng
Theo thông tin được Công an TP. Hà Nội mới đưa ra, trong 9 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã nhận được gần 20 đơn, thư tố giác về các hình thức lừa đảo qua mạng internet với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 33 tỷ đồng. Đáng lưu ý, mặc dù thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng phương thức luôn thay đổi khiến nhiều người dân dễ rơi vào bẫy. Cụ thể, theo thông tin từ cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), vào hồi tháng 4/2019 vừa qua, đơn vị này đã nhận được trình báo của chị Trần Thị H. về việc người thân của chị bị chiếm đoạt tài khoản Facebook rồi nhắn tin cho chị nói đang bị ốm, cần tiền điều trị gấp và nhờ chị H. chuyển 30 triệu đồng vào số tài khoản 3955877 mang tên Nguyễn Thị Thùy Linh. Tin là thật, chị H. đã chuyển số tiền trên cho người thân của mình. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại mới biết mình bị lừa. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã xác định và bắt giữ được nhóm lừa đảo trên, chỉ trong giai đoạn từ tháng 7/2018 đến 4/2019, nhóm này đã thành công lừa đảo 30 vụ với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới 1,4 tỷ đồng.
Có thủ đoạn tinh vi và kín kẽ hơn là trường hợp của Nguyễn Minh Lương (Hà Nội), người đang bị tạm giam để điều tra về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, nắm bắt được nhu cầu mua vé máy bay giá rẻ của người tiêu dùng ngày càng cao cũng như lợi dụng các kẽ hở ở tiện ích đặt giữ chỗ trong vòng 24 giờ của các hãng hàng không, đối tượng đã lên mạng internet đặt vé để lấy mã đặt chỗ rồi quảng cáo bán vé giá rẻ trên Facebook. Tuy nhiên, khi có người mua, Nguyễn Minh Lương vẫn nhận tiền của khách hàng nhưng không thanh toán tiền cho hãng hàng không, qua đó chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Để tránh việc người mua vé tìm đòi tiền, đối tượng thường nhằm vào người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Theo ghi nhận bước đầu, hiện Nguyễn Minh Lương đã thực hiện thành công hành vi lừa đảo trên với nhiều người và số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 500 triệu đồng.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp lừa đảo qua mạng xã hội bị phát hiện và đưa ra ánh sáng trong thời gian gần đây. Ngoài ra cũng phải kể tới hàng loạt các phương thức lừa đảo khác đang xuất hiện nhan nhản trên môi trường mạng xã hội như: Nhận bán sản phẩm qua mạng nhưng khi người mua chuyển tiền thì ngắt mọi liên lạc, cấu kết với người nước ngoài lừa tiền của phụ nữ cả tin, nhận quà gửi từ người quen ở nước ngoài, chuyển tiền để nhận giải thưởng lớn... Đáng chú ý, phần lớn những phương thức lừa đảo như trên đã thường xuyên được các cơ quan chức năng cảnh báo trên phương tiện đại chúng, nhưng vì lòng tham và lợi ích trước mắt kết hợp với thủ đoạn được thay đổi muôn hình vạn trạng nên số lượng nạn nhân bị mất tiền lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng vẫn xuất hiện đều đặn.