Thủ tướng Anh được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên của AstraZeneca

20-03-2021 17:42 | Quốc tế
google news

SKĐS - Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson đã nhận liều vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển, văn phòng Thủ tướng cho biết trong một tuyên bố. Với hành động này, Thủ tướng Anh mong muốn người dân Anh tin tưởng vào vắc-xin, nó đảm bảo an toàn và hiệu quả, đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm chủng.

Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson năm nay  56 tuổi, đã kêu gọi người dân đến các điểm tiêm chủng tiêm phòng  Covid-19. Dữ liệu từ cơ quan quản lý thuốc độc lập của Vương quốc Anh cho thấy việc tiêm phòng bằng vắc-xin đem lại lợi ích nhiều hơn nguy cơ tác dụng phụ.

Trước việc một số quốc gia trên thế giới đã đình chỉ việc sử dụng vắc-xin Oxford-AstraZeneca như một biện pháp phòng ngừa sau khi xuất hiện các báo cáo về cục máu đông ở một số người được tiêm chủng. Các chuyên gia y tế đã lên tiếng chỉ trích động thái này, họ cho rằng, quyết định đình chỉ vắc-xin được đưa ra với  dữ liệu thiếu, trong khi đó dịch bệnh vẫn đang tiếp tục lây lan, nhưng tốc độ tiêm vắc-xin không theo kịp với diễn biến dịch.

Các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) cho biết không có bằng chứng nào về việc vắc-xin đã gây ra cục máu đông. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định lợi ích của vắc-xin Oxford-AstraZeneca lớn hơn nguy cơ và đã khuyến nghị tiếp tục tiêm chủng.

Thủ tướng Anh tiêm vắc-xin AstraZeneca

Phát biểu tại một hội nghị ở Phố Downing Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, vắc-xin Oxford-AstraZeneca là an toàn, nhưng “điều không an toàn là chúng ta không bắt kịp với dịch bệnh COVID-19, đó là lý do tại sao điều quan trọng là mọi người nên tiêm chủng ngay khi đến lượt. ”

Tháng 4 năm ngoái, Nhà lãnh đạo của  Vương quốc Anh đã từng mắc COVID-19 và  được điều trị tại bệnh viện, ông đã trải qua nhiều ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt. Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng nhận được vắc-xin Oxford-AstraZeneca vào ngày 19/3.

Nguồn cung cấp vắc-xin tại Anh sẽ giảm

Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha nằm trong số các quốc gia châu Âu cho biết, họ sẽ tiếp tục sử dụng vắc-xin sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm của châu Âu (EMA) tuyên bố vắc-xin an toàn và hiệu quả. Indonesia, trước đó đã trì hoãn việc sử dụng vắc-xin Oxford-AstraZeneca, nhưng sau đó cho biết họ đã chấp thuận sử dụng vắc-xin này.

Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo các nước nên tiếp tục tiêm vắc-xin 

Đến nay, Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch cho biết họ sẽ tiếp tục ngừng sử dụng vắc-xin trong khi tiến hành các đánh giá độc lập của riêng mình.

Vương quốc Anh là quốc gia vẫn tiếp tục tiêm vắc-xin Oxford-AstraZeneca, London cho rằng,  việc trì hoãn cung cấp vắc xin vào tháng tới sẽ không ảnh hưởng đến lộ trình tiêm chủng của nước Anh.

Trước đó, cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh  đã cảnh báo về việc “giảm đáng kể” nguồn cung cấp vắc-xin COVID-19 theo tuần ở Anh vào tháng tới, dự kiến số  lượng vắc-xin được sản xuất từ Ấn Độ sẽ ít hơn dự kiến ban đầu.

Thủ tướng B.Johnson khẳng định: “không có gì thay đổi” đối với kế hoạch của Chính phủ nhằm giảm bớt các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời nước Anh đang đi ”đúng hướng” mặc dù nguồn cung bất ngờ giảm.

Cho đến nay, hơn 4,2 triệu người đã mắc bệnh COVID-19  ở Anh, với 126.163 trường hợp tử vong, số liệu do Đại học Johns Hopkins cho biết.


Hải Yến
Ý kiến của bạn