Các đảng đối lập tại Anh vừa nhóm họp, bàn thảo phương án thành lập “chính phủ chống cháy” trong trường hợp lật đổ nhà lãnh đạo này. Trong khi đó, báo chí Anh cho biết Nữ hoàng Elizabeth II có thể phế truất Thủ tướng.
Trong tuần này, các Nghị sĩ Anh dự kiến sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Johnson tại Hạ viện. Trong trường hợp, ông Johnson thất bại trong cuộc bỏ phiếu, ông sẽ bị thay thế bằng lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn trong khoảng thời gian ngắn. Mặc dù vậy, kể cả ông Jeremy Corbyn không phải là một ứng cử viên được sự ủng hộ của các đảng song vẫn có thể là mối đe dọa hiện hữu đối với chiếc ghế hiện tại của Thủ tướng Boris Johnson, khi mà các nghị sĩ đối lập đang cho thấy rõ quyết tâm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận bằng bất cứ giá nào. Trong khi đó, truyền thông Anh lại đang “bóng gió” về khả năng Nữ hoàng lần đầu tiên nói tới việc sa thải một Thủ tướng trước khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết.
Thủ tướng Boris Johnson sẽ phải ra đi?
Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn tỏ ra cứng rắn trước các sức ép buộc ông phải từ chức. Tại hội nghị hằng năm của đảng Bảo thủ Anh cầm quyền, nhiều bộ trưởng đã ủng hộ quyết tâm của Thủ tướng Boris Johnson về việc chấm dứt tư cách thành viên của nước Anh trong Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/10. Phát biểu trên kênh truyền hình ITV hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Anh Javid tuyên bố Brexit “chỉ còn là vấn đề thời gian”, Anh sẽ rời EU đúng thời hạn, dù có thỏa thuận hay không “Chúng tôi sẽ rời EU đúng thời hạn dù có hay không đạt được thỏa thuận”.
Với quyết tâm để nước Anh ra đi đúng thời hạn bằng bất cứ giá nào, Thủ tướng Boris Johnson đang chuẩn bị tiết lộ kế hoạch Brexit cuối cùng của mình cho các nhà lãnh đạo EU, được cho là sẽ bao gồm sự thay thế “chốt chặt Ireland”. Văn phòng của Thủ tướng Anh sẽ thông báo phác thảo kế hoạch trong một loạt các cuộc điện đàm với phía EU. Văn bản chính thức sẽ được gửi tới Brussels sau khi Thủ tướng Anh có phát biểu trước các thành viên đảng Bảo thủ của mình tại một hội nghị ở Manchester vào hôm ngày 2/10.
Với tình hình hiện tại, chưa thể khẳng định, kế hoạch phút chót của Thủ tướng Boris Johnson có thực sự gặt hái thắng lợi cuối cùng cho nhà lãnh đạo này để hoàn thành mục tiêu đưa nước Anh rời khỏi mái nhà chung châu Âu một cách suôn sẻ hay không. Bởi lẽ, trên thực tế, thời gian qua, ông Boris Johnson đã liên tiếp gặp thất bại trong các bước đi nhằm thúc đẩy Brexit. Nhất là tình thế hiện nay càng làm khó nhà lãnh đạo này, khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa nước Anh phải “cuốn gói ra đi”, trong khi nước này vẫn còn đó nhiều ngổn ngang chưa thể dẹp bỏ với EU.
Trong một diễn biến khác, Lãnh đạo đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland (DUP), bà Arlene Foster đã bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Anh Boris Johnson, song nhấn mạnh sẽ không chấp nhận rời EU với những điều kiện khác với phần còn lại của Vương quốc Anh. Quốc vụ khanh Vương quốc Anh về Brexit - Stephen Barclay, Chủ tịch Hạ viện Jacob Rees-Mogg - người ủng hộ nhiệt tình đối với Brexit, và Bộ trưởng phụ trách điều phối kế hoạch Brexit không thỏa thuận Michael Gove đều cảnh báo về tác động đối với đời sống chính trị nếu không tôn trọng ý kiến của 17,4 triệu người dân đã bỏ phiếu yêu cầu đưa nước Anh rời khỏi EU.
Chủ tịch Hạ viện Anh Ree-Mogg nhận định nhiều khả năng các nghị sĩ đảng Bảo thủ và phe đối lập sẽ thông qua được một thỏa thuận Brexit nếu Thủ tướng Johnson có được sự ủng hộ của DUP. Trong khi đó, Thủ tướng Johnson đã kích hoạt cuộc tranh luận về vấn đề Brexit hôm 29/9 với tuyên bố nước Anh sẽ rời EU vào tháng tới bất chấp một dự luật ở quốc hội ép ông phải tìm kiếm quyết định gia hạn từ Brussels nếu không đạt được thỏa thuận. Sự ủng hộ của DUP, đảng liên minh với đảng Bảo thủ cầm quyền, được xem là “chìa khóa” để Thủ tướng Johnson có thể thông qua được một thỏa thuận Brexit tại quốc hội. Tuy nhiên, việc Bắc Ireland muốn được đối xử như phần còn lại của Vương quốc Anh là trở ngại chính của nỗ lực đạt thỏa thuận.
Điều khoản “rào chắn” nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit là yếu tố gây tranh cãi nhất của trong thỏa thuận Brexit mà cựu Thủ tướng Theresa May đã nhất trí với các lãnh đạo EU cuối năm 2018. Những người có quan điểm bài châu Âu lo ngại vì điều khoản này, Anh sẽ luôn mắc kẹt trong khu vực thương mại của khối. Thủ tướng Johnson đang tìm cách sửa đổi điều khoản này.