Bên cạnh đó đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm đối với người dân khi thực hiện test diện rộng.
Ngày 23/8 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng một số thành viên trong đoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp đến một số điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại TP. Thủ Đức để hướng dẫn người dân tự làm test nhanh tại nhà.
Việc để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 sẽ giúp phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để bóc tách, khoanh vùng và dập dịch. Đồng thời cũng giảm tải công việc cho ngành y tế trước áp lực xét nghiệm diện rộng.
Trực tiếp đến các điểm xét nghiệm COVID-19 và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành những quyết định, chỉ thị, công điện đối với tình hình mới, TP.HCM cũng đã xác lập trạng thái mới trong vòng 1 tháng từ 15/8 đến 15/9. Như vậy, việc sử dụng xét nghiệm để phát hiện bằng được F0 là hết sức quan trọng. Để làm được điều này phải tổ chức một lượng xét nghiệm rất lớn, bên cạnh đó cần chuẩn bị các bộ sinh phẩm test kit, hệ thống để chạy xét nghiệm RT-PCR.
"Việc tổ chức cho người dân lấy mẫu tại nhà hoặc tự lấy mẫu ở nhà là rất quan trọng. Trước hết, điều này sẽ giúp giảm nguồn lực y tế, chỉ cần đội ngũ giám sát và tình nguyện viên để hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, trong thời gian trước, việc lây lan F0 trong khi lấy mẫu đã xảy ra ở một số nơi do chưa đảm bảo điều kiện sát khuẩn. Cho nên, việc người dân tự lấy mẫu cũng sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện test diện rộng.
Chúng tôi cũng hy vọng với sự tham gia tự nguyện của người dân cùng với sự theo dõi, giám sát hỗ trợ của ngành y tế chúng ta sẽ đảm bảo tiêu chí về mặt kĩ thuật cũng như số lượng lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều lần so với trước đây", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ về những kế hoạch, chiến lược mới, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho hay, TP. Thủ Đức đang thực hiện công tác xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 còn trong cộng đồng, kịp thời đưa đi thu dung điều trị hoặc cách ly tại nhà và có hướng dẫn y tế phù hợp tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.
"Chúng tôi hy vọng với chiến dịch lần này sẽ bóc tách một lần nữa các F0 tại cộng đồng và qua đó hạn chế được lây lan. Với sự hỗ trợ quý báu của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM chúng tôi đã kịp thời nhận thêm được vật tư y tế rất quan trọng đó là bộ xét nghiệm nhanh.
Với nguồn lực nhân viên y tế có hạn nên chúng tôi rất cần sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người dân tự làm xét nghiệm, nhân viên y tế có vai trò giám sát, hướng dẫn sau đó đọc kết quả. Trong trường hợp phát hiện ca dương tính sẽ kịp thời xử lý. Chúng tôi sẽ làm theo hướng, trước hết xét nghiệm nhanh, đối với ca dương sẽ tiếp tục làm PCR để khẳng định, dựa vào kết quả sẽ có hướng giải quyết phù hợp", ông Tùng nói.
Theo chỉ đạo mới nhất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, TPHCM sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao (vùng cam) và vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) của thành phố trong 14 ngày tới.
Riêng các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng sẽ thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5 hoặc 10 tuỳ theo vùng) theo đại diện hộ gia đình. Tần suất xét nghiệm là 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Các đội xét nghiệm của từng địa phương, trong đó mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, tổ nhân dân, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm. Việc cấp test nhanh đến cho người dân phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc ban quản lý khu phố, ấp...
Đối với người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình.
Sau 30 - 60 phút, nhân viên đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính vào danh sách và xử lý những trường hợp ca F0 theo hướng dẫn của ngành y tế về xử lý ca khẳng định.
Toàn cảnh cuộc huy động gần 14.600 "chiến sĩ áo trắng" của ngành Y giúp miền nam chống dịch COVID-19