Hà Nội

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết ở Đồng Nai

18-09-2015 21:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 18/9, đoàn kiểm tra Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Y tế đã về thăm và kiểm tra các hộ dân cũng như làm việc với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai để có biện pháp tích cực hơn nhằm ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự Phòng, đến giữa tháng 9 năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 30.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu phực phía Nam, đặc biệt là các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Tp HCM, Long An, Bà rịa- Vũng Tàu, trong đó Đồng Nai là tỉnh đứng đầu về số ca nhiễm sốt xuất huyết.

Nhằm ứng phó với căn bệnh nguy hiểm này, sáng ngày 18/9/2015, đoàn kiểm tra Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Y tế đã về thăm và kiểm tra các hộ dân cũng như làm việc với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai để có biện pháp tích cực hơn nhằm ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Thống kê từ ngành Y tế Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm đến nay, trên toàn địa bàn tỉnh đã có 2 trường hợp tử vong vì mắc bệnh sốt xuất huyết và số bệnh nhân tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, tính đến tuần thứ 36, Đồng Nai có 4.533 ca mắc sốt xuất huyết tại 9/11 huyện/thị/thành phố. Một số địa phương tăng đến mức chóng mặt so với cùng kỳ như TP. Biên Hóa tăng hơn 300%, H. Tân Phú tăng hơn 200%, H. Trảng Bom tăng gần 200%… Tại một số hộ dân thuộc khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, theo quan sát của đoàn, dù đã có công tác tuyên truyền, kiểm tra nhưng vẫn dễ dàng phát hiện có lăng quăng trong cặn nước tù đọng ở các vật phế phẩm xung quanh nhà.

Phát biểu trong buổi làm việc chiều cùng ngày với UBND tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ghi nhận nỗ lực của ngành Y tế và chính quyền địa phương trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh, nhưng vẫn băn khoăn về ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, cụ thể là diệt lăng quăng, diệt muỗi. “Sốt xuất huyến hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị, vì vậy để phòng ngừa dịch bệnh này hoàn toàn phụ thuộc vào công tác truyền thông, công tác xã hội, hoạt động y tế dự phòng, công tác điều trị là vấn đề sau đó. Do vậy, giúp người dân hiểu rõ vì sao phải diệt muỗi, hiểu đúng diệt muỗi bằng cách nào là điều vô cùng quan trọng”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

PV.

 

 


Ý kiến của bạn