Nhận lời mời của Bộ trưởng Y tế UAE và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, TS. Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Y tế, Ngày Sức khỏe, Cuộc họp về Biến đổi khí hậu (BĐKH) - Sức khỏe và các cuộc họp kĩ thuật về Sức khỏe Môi trường diễn ra từ ngày 1- 5/12/2023 tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Cuộc họp nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28).
Hội nghị cấp Bộ trưởng về khí hậu - Sức khoẻ và Ngày Sức khỏe lần đầu tiên được tổ chức tại Hội nghị COP, thu hút sự tham dự của các nhà lãnh đạo về y tế, môi trường, khí hậu, tài chính nhằm kêu gọi sự đồng thuận về các hành động ưu tiên trong việc xây dựng hệ thống y tế có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cùng với các cam kết tài chính để thực hiện.
Sự kiện giúp các lãnh đạo cấp cao hiểu sâu thêm về mối quan hệ giữa khí hậu và sức khỏe và giúp lồng ghép sức khỏe vào chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố COP28 về Khí hậu và Sức khỏe trong đó nêu rõ các ưu tiên về chính sách và đầu tư.
Cùng với 152 nhà lãnh đạo y tế trên thế giới, thay mặt Bộ Y tế Việt Nam, Thứ trưởng Lê Đức Luận bày tỏ sự nhất trí cao với Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Khí hậu và Sức khỏe nhằm giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe và giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở y tế.
Thứ trưởng chia sẻ tại Hội nghị: Các nước căn cứ vào tình hình thực tế và những ưu tiên của mình, huy động các nguồn lực để thực hiện Kế hoạch của ngành y tế cũng như góp phần hoàn thành cam kết chung của Chính phủ về BĐKH. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy vị thế của mình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những chính sách đáng chú ý là việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này tập trung vào xây dựng các cơ sở chăm sóc sức khỏe có khả năng chống chịu với các tác động của BĐKH, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, kế hoạch cũng đề ra các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ ngành y tế. Theo ước tính, ngành y tế đang chiếm 4 - 5% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Hội nghị COP 28 đã huy động được hơn 57 tỷ USD cho chương trình nghị sự về khí hậu từ các chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức từ thiện, trong đó Quỹ Khí hậu xanh nhận được cam kết đóng góp 9,3 tỷ USD của 25 nước trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ cam kết đóng góp 3 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu xanh. Khoản đóng góp này nhằm giúp các quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận nguồn vốn, đầu tư vào năng lượng sạch và các giải pháp chống chịu trước tác động của BĐKH.
Đây là Quỹ được thành lập trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về BĐKH của Liên hợp quốc. Ngoài việc hỗ trợ thích ứng với BĐKH, quỹ còn tài trợ cho các dự án giúp các nước chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Các dự án này sẽ được triển khai trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2027.
Những cam kết và tuyên bố mới được đưa ra tại COP28 đã nhận được sự ủng hộ mang tính lịch sử, bao gồm Tuyên bố về Khí hậu và Sức khỏe, Cam kết về Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng Toàn cầu, Tuyên bố COP28 về Nông nghiệp, Thực phẩm và Khí hậu, Tuyên bố về Khí hậu và Sức khỏe của COP28 UAE, Tuyên bố về Cứu trợ Khí hậu, Phục hồi & Hòa bình, Tuyên bố về Tài chính Khí hậu.
Tại sự kiện Ngày Liên minh hành động chuyển đổi về sức khỏe và khí hậu (ATACH Day), nhóm làm việc ATACH về Hệ thống sức khỏe thích ứng với khí hậu (CRHS) tập trung vào việc xây dựng khả năng phục hồi khí hậu, điều chỉnh các hệ thống y tế để thích ứng với các tác động và mối đe dọa hiện tại, mới nổi và trong tương lai do BĐKH gây ra.
Sự kiện này giới thiệu các ví dụ của các quốc gia trong việc thực hiện các cam kết y tế, ra mắt các sản phẩm kỹ thuật và tài nguyên mới của các thành viên ATACH, đồng thời phản ánh các hành động chính cần thiết để đạt được hệ thống y tế thích ứng với khí hậu
Thông qua việc trả lời câu hỏi của Phiên chuyên đề tại ATACH day, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận đã chia sẻ câu chuyện của Việt Nam với chủ đề Xây dựng hệ thống y tế đáp ứng BĐKH.
Để giảm thiểu tác động bất lợi của BĐKH đến sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động ứng phó với BĐKH. Thứ trưởng đã nêu một số kết quả quan trọng và nổi bật. Trước hết, quan trọng nhất là Việt Nam đã sớm phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành y tế ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ hai, Bộ Y tế đã tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH cho cán bộ y tế, xây dựng được gói tài liệu tập huấn về BĐKH, đồng thời thành lập nhóm giảng viên nòng cốt. Đã tổ chức được 21 lớp tập huấn cho hơn 800 cán bộ y tế cấp tỉnh, huyện.
Thứ ba, phát triển các bộ công cụ đánh giá tính dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng với BĐKH của ngành y tế; bộ công cụ giám sát và đánh giá về BĐKH.
Thứ tư, xây dựng các mô hình ứng phó với BĐKH, giảm phát thải các bon; mô hình bệnh viện xanh – sạch – đẹp nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải kính trong ngành y tế. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung ưu tiên cho việc hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cơ sở y tế, cộng đồng thích ứng với BĐKH.
Trong khuôn khổ Hội nghị COP28, Bộ Y tế Việt Nam, chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng tổ chức sự kiện bên lề "Xây dựng Hệ thống Y tế Thích ứng với Khí hậu ở Việt Nam" tại Phòng sự kiện bên lề Việt Nam (Việt Nam Pavilion) của COP28.
Cuộc họp thu hút sự tham dự của TS Ali Akeem, Giám đốc Trung Tâm về Sức khỏe Môi trường của WHO khu vực, Bà Srilata Kammila, Giám đốc toàn cầu về BĐKH, UNDP và Lãnh đạo Cục BĐKH, Bộ Tài nguyên Môi trường và đại diện các tổ chức quốc tế liên quan.
Là quốc gia dễ bị tổn thương bởi các tác động của BĐKH, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về sức khỏe phát sinh từ thiên tai liên quan đến khí hậu. Những sự kiện như vậy đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe, từ việc lây lan các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, đến việc gia tăng các bệnh không lây nhiễm như sức khỏe tâm thần và sức khỏe môi trường.
Ngành y tế đã và đang phải chịu những tác động ngày càng tăng trong những năm gần đây, bao gồm thiệt hại đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu do lũ lụt, bão, sạt lở đất và các hiện tượng thiên tai khác liên quan đến khí hậu đã làm trầm trọng thêm những thách thức này.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận khẳng định Việt Nam đang ngày càng chú trọng các vấn đề khí hậu và sức khỏe: "Sự kiện quan trọng này là cơ hội để hiểu rõ hơn về bối cảnh, thách thức và rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra đối với sức khỏe người dân và hệ thống y tế Việt Nam, cũng như các chính sách và cách ứng phó của ngành y tế. Tôi hy vọng rằng tại sự kiện bên lề hôm nay, các đại biểu sẽ biết tới những ví dụ thực tế về các sáng kiến bảo vệ sức khỏe người dân cũng xây dựng hệ thống y tế và cộng đồng kiên cường trước biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm, bài học hay cũng như nhận được đề xuất từ các đại biểu và sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ các đối tác phát triển để Việt Nam có thể đạt được nhiều thành tựu trong tương lai."
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng của UNDP, nhấn mạnh các yếu tố quan trọng của mối quan hệ khí hậu - sức khỏe. Ông cho biết BĐKH đang ảnh hưởng đến các yếu tố xã hội và môi trường liên quan tới sức khỏe như không khí sạch, nước uống an toàn, đủ lương thực và nơi trú ẩn an toàn.
Ông cũng trình bày các giải pháp sáng tạo để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng sạch trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các giải pháp này bao gồm phát triển chương trình phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh dựa trên thông tin về khí hậu, cải thiện khả năng sẵn sàng cho "tuyến cuối" và triển khai các giải pháp tổng hợp có khả năng chống chịu với khí hậu, phát thải carbon thấp tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe được lựa chọn.
Theo đại diện của WHO, tầm quan trọng của quản trị y tế, của hệ thống y tế bền vững và tích hợp BĐKH vào phản ứng chung của ngành y tế lần nữa được khẳng định. WHO cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và tăng cường Kế hoạch thích ứng quốc gia, bao gồm các ưu tiên của ngành y tế.
Sự kiện bên lề này đã mang đến một cái nhìn tổng quan về tầm quan trọng của việc tích hợp khả năng thích ứng với BĐKH vào hoạt động chăm sóc sức khỏe, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển các hệ thống y tế và cộng đồng chống chịu với BĐKH, đặc biệt là với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. Những hợp tác và đổi mới được trình bày tại sự kiện này cho thấy cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết thách thức kép của BĐKH và sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.
Trong suốt kỳ họp Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm là quốc gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu tại diễn đàn quan trọng nhất toàn cầu, góp phần đưa tiếng nói của các quốc gia đang phát triển vào quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách y tế toàn cầu trong tương lai.