Trước tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19 của một số địa phương khu vực phía Nam còn chậm, ngày 24/6, Bộ Y tế đã họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 với 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại các điểm cầu của 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam có lãnh đạo UBND tỉnh, thành; Sở Y tế và các đơn vị liên quan.
Tiến độ tiêm chậm, có tình trạng tồn vaccine, nguy cơ phải huỷ bỏ
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau. Đã phân bổ 228,8 triệu liều vaccine, còn lại hơn 22,2 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer.
Đến hết ngày 23/6 cả nước đã tiêm 227 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 các loại. Công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn.
Hiện mục tiêu tiêm chủng liều cơ bản và tiêm bổ sung cho người lớn: Hoàn thành với tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 khoảng 100%; Mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi cơ bản hoàn thành, tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản trên 95%.
Mục tiêu tiêm nhắc cho người lớn: Tỷ lệ người đủ điều kiện đã được tiêm mũi 3 mới đạt 64,7%. Tiến độ tiêm nhắc trong những ngày gần đây có chiều hướng chậm. Số liều tiêm mũi 4 mới đạt hơn 2,5 triệu.
Về mục tiêu tiêm cho nhóm 5- dưới 12 tuổi với mũi 1 đạt 47,1%, một số địa phương đang triển khai mũi 2 cho nhóm đối tượng này (10,8%).
Tuy nhiên thông tin tại cuộc họp cũng cho thấy tiến độ tiêm nhắc mũi 1 và 2 – mũi 3 và 4 chậm tại hầu hết các địa phương có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine COVID-19 tại tuyến trung ương và một số địa phương, dẫn tới nguy cơ cao hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo
Phân tích nguyên nhân, các chuyên gia tiêm chủng cũng như các địa phương đều cho rằng sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Ngoài ra, thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân không đồng ý tiêm mũi nhắc lại.
"Có 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo"- Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương dẫn chứng.
Đại diện Sở Y tế Đồng Nai, Tây Ninh cho biết, lực lượng y tế địa phương đã đi tuyên truyền, vận động ở nhiều nơi, đã tổ chức các điểm tiêm tại khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp… để làm sao tiêm hết vaccine đã được phân bổ, không phải rơi vào tình trạng tồn… nhưng tỷ lệ tiêm rất ít. Có nhà máy ở Đồng Nai có đến hơn 30.000 người lao động, nhưng qua vận động, tổ chức 5-6 bàn tiêm trực tiếp tại nhà máy cũng chỉ có 480 người tiêm mũi 3!
"Chúng tôi tổ chức tiêm cả ngày nghỉ, cả thứ 7, chủ nhật, rồi đưa cán bộ tiêm tận nơi tuyên truyền, vận động mời đi tiêm nhưng nhiều người dân vẫn từ chối không tiêm. Chúng tôi cũng rất khó"- đại diện ngành y tế một tỉnh phía Nam bày tỏ.
Trước 30/6 phải hoàn thành việc tiêm chủng các lô vaccine đã phân bổ
Phát biểu tại cuộc họp sau khi nghe ý kiến thảo luận của các chuyên gia và các địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, nước ta đã đạt độ bao phủ vaccine cơ bản cho các đối tượng theo quy định.
Chúng ta đã kiểm soát được tình hình và chuyển sang bình thường mới. "Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là vì dịch vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ quay lại tăng số mắc, trên thực tế một số quốc gia đã tăng ca bệnh trở lại. Do đó, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt, đối với TP Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh phía Nam phải nâng tỉ lệ cao hơn nữa, hiện tốc độ tiêm chủng rất chậm so với các tỉnh miền Trung và phía Bắc"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, qua ý kiến của các địa phương cho thấy đối tượng cần tiêm vaccine phòng COVID-19 rất nhiều nhưng chúng ta tiêm chưa hết chứ không phải thừa vaccine.
Về đối tượng tiêm, liều lượng tiêm, loại vaccine tiêm cho các đối tượng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới nhất tại văn bản số 3309 ban hành ngày 23/6.
"Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, xác định đối tượng tiêm, tiếp tục 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để tiêm vaccine cho các đối tượng theo hướng dẫn.
Căn cứ vào kế hoạch được phân bổ vaccine, xây dựng kế hoạch tiêm từng tuần, tiêm ở địa phương nào, đơn vị nào, ai chịu trách nhiệm giám sát… Có như thế chúng ta mới tiêm hết vaccine và hết đối tượng theo hướng dẫn"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tiếp tục nhấn mạnh địa phương nào không nhận vaccine, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi đến Bộ Y tế để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ và phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch trên địa bàn.
"Cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận tổ quốc và toàn bộ hệ thống chính trị đồng hành cùng ngành y tế trong tuyên truyền, vận động, tổ chức tiêm chủng. Một mình ngành y tế khó có thể thực hiện được"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Đồng thời lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định: Đây là tiêm phòng chống dịch theo Nghị quyết của Chính phủ "nếu chúng ta không tiêm thì dịch xảy ra thì làm thế nào? Lúc đó các địa phương lại có văn bản đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ à?".
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng yêu cầu trong công tác truyền thông về tiêm vaccine phòng COVID-19, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế phải đẩy mạnh việc thông tin về vai trò, lợi ích của vaccine với phòng chống dịch, việc không tiêm vaccine theo hướng dẫn sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân mỗi người thế nào..., đặc biệt là truyền thông nhóm tuổi trẻ em về hiệu lực, hiệu quả của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19...
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế lưu ý, ngoài dịch COVID-19, trong thời gian gần đây dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng… bùng phát mạnh, gia tăng tại nhiều tỉnh, thành… Bên cạnh đó, các dịch bệnh khác như viêm gan cấp tính ở trẻ em, đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Do đó, các địa phương cùng với chống dịch COVID-19 phải triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch khác, tránh để xảy ra tình trạng 'dịch chồng dịch'.
Vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế tại các địa phương cần phải được quan tâm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.