Tại buổi tọa đàm "Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 21/2, trước câu hỏi Bộ Y tế đã có những giải pháp gì để khắc phục bất cập trong chế độ đãi ngộ cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch, nhất là tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng? Các giải pháp bền vững lâu dài mà Bộ Y tế định hướng trong thời gian tới là như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian tới, trong công tác phòng chống dịch, chúng ta phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
Theo Thứ trưởng mặc dù những hỗ trợ, phụ cấp đó cũng chỉ là một phần để động viên nhân y tế hăng say với công việc hơn, tích cực và có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40-70% lên 100%
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, để kịp thời động viên cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ một loạt văn bản hỗ trợ nhân viên y tế. Bộ cũng đã có tờ trình để có giải pháp đối với chính sách nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thông bản.
"Vừa rồi, dịch xảy ra, không chỉ nhân viên y tế ở các trạm y tế mà nhân viên y tế của các thôn, bản, cô đỡ thôn bản cũng cần có chế độ đãi ngộ"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Đồng thời Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thông tin: Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ xem xét ban hành một số chế độ, chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây cũng là thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đó là phải có chính sách đủ mạnh, khuyến khích trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Thứ trưởng cũng bày tỏ đây là điều mà các cán bộ nhân viên y tế mong muốn đón nhận. Theo đó nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế.
Bộ Y tế đặt nhiệm vụ hàng đầu là hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế đối với chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế
Thông tin tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: Để có giải pháp căn cơ lâu dài đảm bảo nguồn nhân lực, đặc biệt y tế cơ sở và y tế dự phòng, thứ nhất, thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12, Bộ Y tế phải chủ động sắp xếp và tối ưu hóa nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.
Thứ hai, có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị.
Thứ ba từng bước bảo đảm nhân lực y tế để thực hiện các hoạt động về phòng chống dịch, cung cấp dịch vụ cho người dân trên địa bàn, đảm bảo đội ngũ nhân lực là bác sĩ và nhân viên y tế có chuyên ngành về hồi sức cấp cứu.
Thứ tư, ngành y tế cũng sẽ chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với chuẩn chung của thế giới; đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phòng chống dịch của Việt Nam.
Thứ năm, ngành y tế cũng nghiên cứu và đánh giá với dịch SARS trước đây và giờ là COVID-19 thì thấy rằng chúng ta cần phải có định hướng đào tạo phù hợp và sẵn sàng ứng phó với dịch mới nổi, đồng thời phải lồng ghép công tác phòng chống dịch và ứng phó với thảm họa trong chương trình đào tạo.
Phải nâng cao năng lực y tế tại địa phương, ưu tiên đào tạo nhân lực cho vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thứ sáu, phải đảm bảo điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe và có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhân viên ngành y tế.
Trong thời gian tới, theo tinh thần Nghị quyết 20 cũng như Nghị quyết 27 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách tiền lương, sẽ đảm bảo quyền lợi đối với nhân y tế, người lao động trong ngành y tế phù hợp. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thể chế về chế độ, chính sách đối với cán bộ ngành y tế, đặc biệt là qua 4 đợt dịch COVID-19 vừa rồi.
Trong nhiệm kỳ này, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đặt nhiệm vụ hàng đầu là hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế đối với chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện những dự án để trình Chính phủ sớm ban hành để việc tổ chức thực hiện.
Tại buổi toạ đàm, ông Bùi Sĩ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Trước mắt chúng ta chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết.
Theo Nghị quyết 68 của Quốc hội, theo tôi nên tiếp tục mô hình bác sĩ gia đình. Chống dịch vừa qua chúng ta thấy rõ y tế cơ sở là pháo đài chống dịch, là nền tảng rất quan trọng.
Tuy nhiên, để cho công tác phòng chống dịch cũng như nâng cao hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nhân dân bền vững thì phải cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế.
Luật Khám chữa bệnh đã có trong chương trình rồi, Luật BHYT và những luật liên quan đến tiền lương và cải cách tiền lương tiếp tục bổ sung vào hệ thống các phụ cấp đang được dự thảo trong chính sách tiền lương.
Tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động. Đối với ngành y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân.