Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy – một xã có ca bệnh dương tính bạch hầu. Đồng thời, Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã đến thăm và kiểm tra dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin nói chung, vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu nỏi riêng tại CDC Kon Tum.
Kiên trì, “phục” từ trưa đến tối để vận động 3 người dân đi tiêm vắc xin bạch hầu.
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác , y sĩ Lê Thị Phượng, Trưởng Trạm Y tế xã Đăk Ruồng, cho biết xã có 5.000 nhân khẩu. Xã đã lập danh sách các thành viên theo hộ gia đình, lập các điểm tiêm ở trạm y tế hoặc thôn để triển khai tiêm vắc xin cho người dân từ 7/9. Đến nay, Đắk Ruồng ghi nhận một ca dương tính bạch hầu là bé gái 15 tuổi ở thôn 10 (hôm 15/8), đã điều trị khỏi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, ông Võ Văn Thanh- Giám đốc Sở Y tế Kon Tum (đứng bên cạnh) kiểm tra vắc xin tiêm chủng phòng chống bệnh bạch hầu tại trạm y tế xã Đắk Ruồng
Bà Đinh Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho hay, từ đầu năm đến nay, huyện này ghi nhận 5 ca dương tính với bạch hầu (trong độ tuổi từ 11-39 tuổi) và 2 ca nghi ngờ, trong đó có 4 ca đã khỏi bệnh; 1 ca ở xã Đăk Tờ Re (17 tuổi, ở thôn 7) đang điều trị. 2 ca nghi ngờ cũng ở xã Đăk Tờ Re. Xã này đang cách ly 172 trường hợp.
“Cách đây ít hôm, qua rà soát chúng tôi phát hiện có 3 trường hợp chưa tiêm vắc xin Td. Chúng tôi phải kiên trì chờ, “phục” họ từ trưa đến 6h tối chờ họ đi làm rẫy về để vận động, tránh bỏ lọt bỏ sót đối tượng” – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho hay.
Ông Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, cho biết luỹ tích từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh có 48 trường hợp dương tính bạch hầu tại 5 huyện/thành phố (cao hơn tổng số ca dương tính trong giai đoạn 2016-2019); trong đó có 37 ca bệnh và 11 ca là người lành mang trùng, không có ca tử vong. Toàn tỉnh có 32 ổ dịch bạch hầu, đã có 31 ổ đã qua 14 ngày.
Cán bộ y tế xã Đắk Ruồng tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu cho người dân tại một điểm tiêm chủng trên địa bàn xã
Ông Thanh nhận định trong quần thể cư dân có một bộ phận người lớn tuổi không có miễn dịch với bạch hầu nên vẫn có nguy cơ tiếp tục xuất hiện ca bệnh mới.
Đảm bảo cung ứng đủ vắc xin tiêm chủng phục vụ phòng chống dịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho hay, thời gian qua, Chương trình Tiêm chủng mở rộng và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã cung cấp dây chuyền lạnh, kho lạnh, tủ bảo quản vắc xin cho tỉnh Kon Tum phục vụ công tác bảo quản, cung ứng vắc xin của tỉnh Kon Tum.
“Qua thực tế đi kiểm tra tại một số trạm y tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum, chúng tôi đánh giá cao việc thực hiện tiêm chủng chiến dịch bạch hầu tại địa phương nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tương lai.
Mong các anh chị đã cố gắng, đã nỗ lực thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu, tiếp tục nỗ lực trong các chiến dịch tiếp theo để đảm bảo việc tiêm chủng đầy đủ các đối tượng được đầy đủ, đảm bảo phòng chống dịch, nhất là mùa đông xuân đang đến gần”- PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
PGS.TS Dương Thị Hồng khẳng định chương trình tiêm chủng mở rộng luôn luôn cố gắng đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vắc xin phục vụ công tác phòng chống dịch của địa phương.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW Dương Thị Hồng, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cùng kiểm tra "nhật ký" danh sách những đối tượng tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu tại trạm y tế xã Đắk Ruồng
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Thị Nga- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho hay, tỉnh xác định công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người dân trên địa bàn. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch bệnh.
Địa phương xác định để làm tốt công tác phòng chống dịch, việc tuyên truyền vận động để người dân đồng lòng cùng thực hiện là rất quan trọng, do đó công tác truyền thông, đặc biệt trong đợt thực hiện chính dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu rất đa dạng, phong phú. Do tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, chính quyền và ngành Y tế huyện vừa truyền thông bằng pano áp phích, đồng thời phải ghi âm bằng đĩa để tuyên truyền bằng tiếng địa phương để người dân dễ tiếp cận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng mong muốn Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và đồng hành với địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân.
Không “quên” phòng chống các dịch bệnh khác.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao công tác phòng chống dịch của tỉnh Kon Tum, đặc biệt trong phòng chống dịch COVID-19 và dịch bạch hầu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành không lơ là chủ quan trong phòng chống dịch để tránh tình trạng ổ dịch bùng phát. Đồng thời, bên cạnh tập trung chống dịch bạch hầu cũng phải chú trọng đến các dịch bệnh khác như COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về công tác phòng chống dịch bạch hầu. Tiếp và làm việc với Thứ trưởng có đồng chí Trần Thị Nga- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum (người ngồi bên cạnh)
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Kon Tum thiết lập, duy trì các tổ phòng chống dịch ở cộng đồng để đẩy mạnh việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không chỉ trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu mà còn với cả các dịch bệnh khác.
“Chúng ta phòng chống dịch trong tình hình mới nên đại phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục thực hiện chiến lược phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm. Trong công tác xét nghiệm cần lựa chọn đối tượng phù hợp, tránh tràn lan”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.
Riêng đối với dịch bạch hầu, tỉnh Kon Tum cần yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị, đoàn thể liên quan tiếp tục rà soát đến tận nhà, tận thôn, bản để tránh bỏ sót đối tượng tiem chủng. Thực hiện việc tiêm vét. Đồng thời duy trì tiêm nhắc lại đúng thời điểm, đúng độ tuổi và đúng liều lượng để đảm bảo hiệu quả của tiêm chủng. Đặc biệt, lưu ý vùng sâu vùng xa- “vùng lõm” tiêm chủng.
Liên quan đến việc công bổ dịch bạch hầu trên địa bàn xã, huyện, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh nghiên cứu kỹ điều 2, Quyết định 02/QĐ-TTg, ngày 28/01/2016 của Thủ tướng quy định điều công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Về đề xuất liêm quan đến kim tiêm phục vụ chiến dịch tiêm chủng bạch hầu của tỉnh, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị địa phương chủ động, trong trường hợp cần thiết thì báo cáo Bộ Y tế.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý địa phương kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch của các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế ngoài công lập.
Đồng thời, tỉnh cũng cần chuẩn bị sẵn các khu cách ly tập trung để phục vụ công tác cách ly phòng chống dịch COVID-19 khi nước ta mở lại đường bay quốc tế.