Tiếp tục chương trình làm việc ở Hậu Giang, sáng 14/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang.
Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch của tỉnh; bà Hồ Thu Ánh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang làm việc với đoàn.
Có thể xét nghiệm 3.000 mẫu đơn/ ngày
Báo cáo của tỉnh Hậu Giang cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 22 ca mắc COVID-19.
Tỉnh Hậu Giang đã triển khai 4 máy xét nghiệm SARS-COV-2 (01 máy sẽ triển khai tiếp tục trong tháng 8/2021). Công suất thực hiện khoảng 3.000 mẫu đơn/ngày; 30.000 mẫu gộp/ngày (đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế 1.000 mẫu đơn/ngày/1.000.000 dân).
Toàn tỉnh có 8 cơ sở cách ly tập trung, đảm bảo tiếp nhận cách ly tập trung khoảng 600 người; có 9 cơ sở cách ly y tế tại các Bệnh viện và Trung tâm Y tế có khả năng tiếp nhận khoảng 105 người. Trong thời gian sớm nhất, tỉnh sẽ mở rộng thêm các khu cách ly tập trung tại các huyện/thị/thành phố để có thể tiếp nhận thêm khoảng 1.200 người.
Về năng lực điều trị, hiện nay, Hậu Giang có 2 bệnh viện điều trị COVID-19 với cơ số 120 giường. Đang chuẩn bị triển khai kế hoạch chuyển đổi công năng một số TTYT tuyến huyện thành bệnh viện điều trị COVID-19 với 580 giường. Số lượng y, bác sỹ đang tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 khoảng 600 người.
Tại buổi làm việc, Hậu Giang kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét hỗ trợ cho tỉnh Hậu Giang một số máy móc, trang thiết bị phòng chống dịch và test xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc
Chuyên gia Bộ Y tế “hiến kế” giúp nâng cao năng lực điều trị, lấy mẫu xét nghiệm
Tại buổi làm việc, chuyên gia điều trị của Bộ Y tế khuyến nghị, đối với các bệnh viện được huy động điều trị bệnh nhân nhẹ cần thành lập các đội điều trị, mỗi đội từ 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, có thể phụ trách 30-50 bệnh nhân nhẹ.
Tại Sở Y tế cũng phải lập tổ tham mưu, có nhiệm vụ rà soát về nhân lực, trang thiết bị, vật tư thiết bị phòng hộ để tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo điều tiết phù hợp.
Với kịch bản thiết lập 1.000 giường bệnh, chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng cần ít nhất 10 bác sĩ hồi sức. Do đó, trong số 26 bác sĩ hồi sức của tỉnh, Hậu Giang cũng cần có phương án sử dụng hợp lý, điều tiết phù hợp để “dành sức” của cán bộ.
Chuyên gia cũng lưu ý, trong số 50 máy thở hiện có của tỉnh, cần rà soát lại ngay bao nhiêu còn hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng khi cần lại không sử dụng được. Đối với đơn vị hồi sức tích cực quy mô 50 giường tại BV Phổi Hậu Giang cần 30 máy thở và 20 máy HFNC- máy thở oxy dòng cao, cần có 50 monitor. Do đó ngay từ bây giờ, tỉnh cần lắp sẵn các đường mạng; thiết lập hệ thống đầu oxy để sẵn sàng đưa vào sử dụng khi cần.
Đồng thời tỉnh cũng cần lên phương án thiết kế một phòng mổ cấp cứu ngay tại khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng có đầy đủ trang thiết bị của 1 phòng mổ. Tỉnh cần rà khảo sát ngay địa điểm thiết lập bệnh viện dã chiến, tránh bị động khi số ca mắc tăng cao quá kịch bản 1.000 giường.
Lưu ý vấn đề dự trù bổ sung nhân lực sẵn cho các bệnh viện dã chiến để điều động khi cần. Đối với các máy xét nghiệm, Hậu Giang nên rà soát lại máy nào có thể xét nghiệm COVID-19, để sử dụng khi cần.
Theo đó chuyên gia cũng khuyến nghị tỉnh có kế hoạch tập huấn, nâng cao chuyên môn cho lực lượng làm công tác này. Phải có đầu mối điều tiết. “Chúng tôi sẵn sàng đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn về điều trị nhất là bệnh nhân COVID-19 nặng khu vực hồi sức cho Hậu Giang khi tỉnh đã thiết lập xong các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, nhân lực”- Chuyên gia Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cũng tại buổi làm việc, các chuyên gia của Bộ Y tế đề nghị Hậu Giang chuẩn bị sẵn nhân lực phục vụ công tác truy vết khi có các ca bệnh dương tính, nếu đội ngũ này càng nhiều việc truy vết càng nhanh.
Theo đó sẽ giúp quyết định phải giãn cách hay cách ly các khu vực có dịch trên địa bàn cũng giảm đi. Liên quan đến việc xem xét cho cách ly y tế tai nhà với những trường hợp đủ điều kiện, chuyên gia khuyến cáo tỉnh cần chuẩn bị sẵn phương án đội ngũ lấy mẫu tai nhà.
Chuyên gia của Bộ Y tế cũng lưu ý tỉnh cần giám sát yếu tố nguy cơ tại các nhà thuốc trên địa bàn đối với các trường hợp mua thuốc cảm, giảm đau, hạ sốt. Bởi những trường hợp này có thể sẽ là các ca bệnh chỉ điểm
Bộ Y tế sẽ hộ trợ tỉnh Hậu Giang 50.000 test nhanh
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện nay, tỉnh Hậu Giang có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc COVID-19. Do đó, ngay từ bây giờ tỉnh cần chuẩn bị ngay “4 tại chỗ” trên toàn tuyến để sẵn sàng vào cuộc chống dịch, tránh bị động khi ca bệnh gia tăng.
Về ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch, Thứ trưởng Đỗ Xuan Tuyên lưu ý tỉnh phải thiết lập được Trung tâm công nghệ điều hành công tác phòng chống dịch, và tới đây sẽ phục vụ cho cả chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.
Về phòng chống dịch trong cộng đồng, phải phát hiện nhanh thông qua truy vết. Lực lượng truy vết cần giao cho công an chủ trì. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị tỉnh rà soát lại ngay hoạt động của lực lượng Tổ Covid cộng đồng, giao mỗi tổ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình. Thành viên của Tổ Covid phải giám sát chặt chẽ những trường hợp F2 cách ly tại nhà.
“Cùng với nỗ lực của các lực lượng phòng chống dịch, đề nghị tỉnh phát động phong trào phát giác người nhập cảnh trái phép, người từ vùng dịch về không tuân thủ quy định chống dịch để kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Về phòng chống dịch trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế yêu cầu tỉnh phải tổ chức tập huấn trên toàn tỉnh, giao nhiệm vụ cho Trưởng Ban Quản lý Khu/Cụm công nghiệp việc này. Sau đó sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu đơn vị nào không thực hiện, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì xử lý nghiêm.
“Chúng ta ngồi đây nói thì thấy dễ nhưng nếu không đôn đốc, không kiểm tra, giám sát, khi có ca bệnh là công nhân/người lao động trong khu công nghiệp, công cuộc chống dịch sẽ rất khó khăn, vất vả”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra khu vực giãn cách phòng chống dịch của xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao năng lực xét nghiệm của Hậu Giang, tuy nhiên tỉnh phải lưu ý khuyến nghị của chuyên gia về vấn đề này. Có thể xét nghiệm gộp mẫu, hoặc đơn mẫu, xét nghiệm kháng thể hoặc test nhanh nhưng phải tuân thủ hướng dẫn chuyên môn về vấn đề này. “Đề nghị 100% cán bộ của trạm y tế phải được tập huấn về lấy mẫu xét nghiệm”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhắc.
Trong điều trị, thải thành lập bệnh viện dã chiến trên cơ sở vật chất của TTYT huyện. Có thể chọn 2 TTYT để thiết lập, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh cần tiếp thu các hướng dẫn của chuyên gia Bộ Y tế về điều trị.
Thông tin tại buổi làm việc, Bộ Y tế cho biết sẽ hộ trợ tỉnh Hậu Giang 50.000 test nhanh.
“Nguy cơ dịch bệnh COVID-19 có thể gia tăng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là hiện hữu, do đó chúng tôi rất cảm ơn những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và thực tiễn của Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia của đoàn công tác để nâng công tác trong công tác phòng chống dịch của tỉnh”- Bí thư Nghiêm Xuân Thành nói.
Bí thư Tỉnh ủy cũng chia sẻ: Thực tế tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin khá thấp, trong khi đây là giải pháp lâu dài và hiệu quả để tỉnh phòng, chống dịch COVID– 19 bên canh những giải pháp khác. Tỉnh mong nhận được thêm nguồn phân bổ.