Hà Nội

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã rất nỗ lực tháo gỡ các khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế

13-04-2023 11:09 | Y tế

SKĐS - Để tháo gỡ các khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc tại một số cơ sở y tế công lập, trong năm 2022 và thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều Thông tư; tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý.

Thông tin tại Hội nghị triển khai đấu thầu thuốc và lựa chọn nhà thầu qua mạng tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến - kết nối hơn 1.000 điểm cầu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Theo đó, để tháo gỡ các khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc tại một số cơ sở y tế công lập, trong năm 2022 và thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều Thông tư; tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã rất nỗ lực tháo gỡ các khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị triển khai đấu thầu thuốc và lựa chọn nhà thầu qua mạng tại các cơ sở y tế công lập.

Có thể kể đến như: Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.

Cùng đó, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế; Ngày 4/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/2023/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, nhằm tháo gỡ cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế cho máy mượn, máy đặt. Đây là những giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải.

Tiếp đó, ngày 12/3/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Trong đó, sửa đổi quy định phân nhóm tiêu chí kỹ thuật, xây dựng giá gói thầu, thay thế thuốc, tài liệu kèm theo văn bản đăng ký mua thuốc tập trung, quy định việc ghi dạng bào chế thuốc, bảng điểm kỹ thuật, phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm, ban hành mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng cho dược liệu và vị thuốc cổ truyền…

Theo quy định tại mục 5, Nghị quyết 30/2023/NQ-CP, Bộ Y tế có trách nhiệm hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế trong quý II/2023; hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong quý III/2023.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã rất nỗ lực tháo gỡ các khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và đoàn chủ tọa hội nghị triển khai đấu thầu thuốc và lựa chọn nhà thầu qua mạng tại các cơ sở y tế công lập.

Bộ Y tế cũng có nhiệm vụ hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung trong quý III/2023; hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng trong quý III/2023.

Bộ cũng phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quý II/2023; hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung trong quý III/2023.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã giao các cục, vụ, đơn vị liên quan triển khai việc xây dựng thông tư; đề xuất các giải pháp thực hiện, làm sao để ngày 31/12/2023 hoàn thành, tránh việc bước sang 1/1/2024 có "khoảng trống" về pháp lý.

Cũng theo thông tin của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, thực hiện Nghị quyết số 80 của Quốc hội, từ đầu năm đến 2/4/2023, Bộ Y tế đã gia hạn giấy phép lưu hành của hơn 10.300 loại thuốc, đảm bảo nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung ứng thuốc trên thị trường.

Tại Hội nghị, đại diện các cục, vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; các sở y tế đã nghe, thảo luận và đề xuất các giải pháp thực hiện Thông tư 08 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Thông tư 06 của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã rất nỗ lực tháo gỡ các khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 3.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã rất nỗ lực tháo gỡ các khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế...

Chia sẻ bên lề hội nghị diễn ra ngày 12/4, về đề xuất dự trữ một số thuốc hiếm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo Nghị quyết số 30/NQ-CP về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế của Chính phủ, trong quý 3 tới Bộ Y tế sẽ phải báo cáo cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch trong đó giao các đơn vị đề xuất, lấy ý kiến của các cơ sở y tế sau đó Bộ Y tế sẽ tập hợp, đề xuất giải pháp từ cơ chế mua sắm, quản lý sử dụng và cơ chế thanh quyết toán đối với nhóm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

"Đây là việc rất cần thiết, dù thuốc hiếm là mặt hàng nhu cầu sử dụng không nhiều, nhưng khi có tình huống khẩn cấp hoặc với các mặt bệnh đặc biệt cần phải đáp ứng ngay đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" –Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, với nhóm thuốc này Bộ Y tế cũng dự kiến triển khai ở 6 vùng kinh tế- xã hội gồm: vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, lựa chọn các bệnh viện trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn và giao quản lý, hướng dẫn sử dụng, điều phối thuốc này.

Tiến độ mới nhất về tiêm vaccine COVID-19 ở nước taTiến độ mới nhất về tiêm vaccine COVID-19 ở nước ta

SKĐS - Đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn còn một số tỉnh, thành đang tiêm chậm, tiêm thấp vaccine; Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vaccine COVID-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.

Thái Bình
Ý kiến của bạn