Hà Nội

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: 6 biện pháp cần thực hiện để dịch bạch hầu không bùng phát trở lại tại Đắk Nông

01-07-2020 17:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên - Trưởng Đoàn công tác của Bộ Y tế trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về công tác phòng, chống dịch bệnh và 3 năm thực hiện Quyết định 2348/QĐ-Ttg ngày 5/12/2016 về Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.


Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020 tỉnh đã tập trung các nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và dịch bạch hầu. Đối với dịch COVID-19, tỉnh đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo các lực lượng phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia. Tính đến ngày 26/6, tỉnh đã cách ly tổng cộng 9.181 người, xét nghiệm 542 trường hợp, không có trường hợp nào mắc COVID-19.

Về tình hình dịch bạch hầu, tính đến ngày 26/6 toàn tỉnh ghi nhận 12 trường hợp dương tính, trong đó có 1 trường hợp bé gái 9 tuổi tử vong. Tỉnh đã phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên nhanh chóng và kịp thời triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, thu dung điều trị.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra hoạt động tiêm chủng tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông

Kể từ khi ca bệnh cuối cùng được ghi nhận (21/6) đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát hiện thêm ca mắc mới nào tại các ổ dịch ở hai huyện Krông Nô và Đắk Glong. Hiện ngành y tế tỉnh đang phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện tiêm chủng bổ sung vắc xin Td phòng chống bệnh bạch hầu và uốn ván cho các đối tượng từ 7-40 tuổi trên địa bàn.

Về công tác triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triền mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện: Sáp nhập 8 Trung tâm Y tế huyện, thành phố, trong đó có 7 trung tâm y tế huyện thực hiện 2 chức năng khám chữa bệnh và dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân; Áp dụng mô hình y học gia đình; Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động y tế cơ sở; Đầu tư hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp từ đại diện các Sở, ngành của tỉnh Đắc Nông và lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện của Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã có ý kiến kết luận về từng vấn đề được nêu ra. Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng đề nghị Đăk Nông tiếp tục thực hiện tốt việc ngăn dịch xâm nhập từ bên ngoài do tỉnh có đường biên giới dài, đồng thời phát hiện sớm, tiến hành khoanh vùng cách ly dập dịch.

“Tuyệt đối không được lơ là chủ quan với dịch COVID-19, không chỉ đối  với người dân mà ngay cả trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp ở địa phương” – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, là tỉnh có những công trình kinh tế hợp tác với nước ngoài, nên Đắk Nông cần bố trí khu vực cách ly hợp lý đối với các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc; tiến hành xét nghiệm ít nhất 2 lần đối với những đối tượng cách ly. Ngành y tế Đắk Nông cần áp dụng nghiêm các quy định của Bộ Y tế để không xảy ra lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị. Tỉnh cần thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch tốt vừa phát triển kinh tế.

Về công tác phòng chống dịch bạch hầu, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Kiên quyết không được để dịch bùng phát lần thứ hai. Để đạt được mục đích này, tỉnh  Đắk Nông cần thực hiện tốt 6 điểm sau.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại cuộc họp

Thứ nhất, cần tăng cường giám sát dịch không chỉ ở những xã có ca bệnh, mà đặc biệt chú ý những vùng có nguy cơ cao. Đó là những “vùng lõm” trong tiêm chủng, những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, có đông bà con người dân tộc thiểu số sinh sống, khó vận động tiêm chủng.

Thứ hai, cần tăng cường tập huấn cho y tế tuyến xã, thôn bản cách tuyên truyền vận động người dân thực hiện tiêm chủng, phải kiên trì vận động nhiều lần, cần huy động các thành viên của Ban chỉ đạo chống dịch phối hợp tuyên truyền cho tới khi có hiệu quả.

Thứ ba, cần tổ chức ngay việc tiêm vắc xin Td phòng bạch hầu, uốn ván ở những khu vực có nguy cơ cao; tăng cường hoạt động tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ trên 95%.

Thứ tư,  cần thành lập tổ công tác lưu động phòng chống dịch khi cần có thể triển khai  đến các khu vực có nguy cơ cao để thực hiện “4 cùng”, hướng dẫn nhân viên y tế và người dân chống dịch theo cách “cầm tay chỉ việc”.

Thứ năm,  tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường hoạt động truyền thông trực tiếp tới từng người dân để họ hiểu và chủ động thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe.

Thứ sáu, tỉnh cần  tiến hành khảo sát các vùng nguy cơ, sau đó xây dựng kế hoạch tổng thể phòng chống dịch bạch hầu để Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên  hỗ trợ về kỹ thuật và vắc xin. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng chỉ đạo các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế rà soát các nguồn hỗ trợ cho các địa phương khó khăn trong đó có Đắk Nông.

 

Về đề án xây dựng và phát triền mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng tỉnh Đắk Nông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các cấp các ngành và người dân hiểu rõ chỉ đạo; cần thực tốt các chương trình y tế tại địa phương như tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét…; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cả chuyên môn và kỹ năng truyền thông; huy động các cấp các ngành vào cuộc phối hộ cùng ngành y tế thực hiện tốt các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Đối với công tác khám chữa bệnh, cần phối hợp tốt với ngành Bảo hiểm xã hội để thực hiện khám chữa bệnh và cấp thuốc bằng bảo hiểm y tế ở trạm y tế; cần chú ý cơ cấu nữ hộ sinh tại các trạm y tế vùng sâu vùng xa và ban hành gói dịch vụ y tế. Qua kiểm tra thực tế tại trạm y tế xã Đắk Wer, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận xét việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử ở đây đang đi đúng hướng. Thứ trưởng chỉ đạo, cần kết nối hồ sơ sức khỏe điện tử với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Tỉnh cần tập huấn cho cán bộ y tế sử dụng thành thạo tin học và trang bị máy tính đầy đủ cho các trạm y tế.

Về việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa, Thứ trưởng chỉ đạo Sở Y tế phải tham mưu tốt cho Ủy ban Nhân dân tỉnh để đưa các nội dung y tế vào kế hoạch chung như: quy hoạch mạng lưới y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, quản lý các chương trình y tế, hồ sơ sức khỏe; quy hoạch phòng khám đa khoa khu vực theo cụm dân cư, không nhất thiết theo địa lý hành chính, đồng thời nghiên cứu xây dựng phòng khám đa khoa ở khu công nghiệp để công nhân được tiếp cận dịch vụ y tế vào thời gian phù hợp; triển khai mô hình sức khỏe gia đình cần phù hợp với điều kiện giao thông, kinh tế và nhu cầu của người dân; xây dựng nhà công vụ cho cán bộ y tế tuyến huyện và xã; tạo cơ chế thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến cơ sở.

 


Vũ Mạnh Cường
Ý kiến của bạn