Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng

10-11-2023 15:15 | Y tế

SKĐS - Mặc dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế, nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao thì hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp...

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh những thông tin trên tại Hội thảo mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp do Cục Dân số (Bộ Y tế) và Hội sản phụ khoa Việt Nam phối hợp tổ chức hôm nay 10/11 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn

21 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, trên thế giới, mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế tại các quốc gia Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi.

Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người, một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.

Ở nước ta, thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì cho đến nay, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ 2007 đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, nước ta đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.

"Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

ThS.BS Mai Trung Sơn, Cục Dân số cho biết thêm: Mức sinh tại khu vực Đông Nam Bộ giảm xuống rất thấp, còn 1,56, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 1,8.

"Nếu mức sinh này giảm xuống dưới 1,3 thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế" - BS Sơn nhấn mạnh và thông tin thêm: Mức sinh tại khu vực Đồng bằng sông Hồng từng giảm xuống thấp nhưng hiện nay đã tăng cao trở lại.

Cảnh báo nhiều hệ lụy lâu dài của mức sinh thấp, can thiệp bằng cách nào?

Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng- Ảnh 2.

TS.BS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Bộ Y tế thông tin về bộ công cụ chính sách can thiệp mức sinh cho các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng về nội dung này, trong tham luận về bộ chính sách can thiệp mức sinh thấp tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, TS.BS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Bộ Y tế bổ sung thêm thông tin: Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tổng suất sinh giảm mạnh trong nhiều thập kỷ qua. Điều này không chỉ xảy ra ở các quốc gia có thu nhập cao. Tổng tỷ suất sinh của Thái Lan đã ở mức thay thế kể từ năm 1990, còn của Việt Nam đã giảm xuống xấp xỉ 2,1 từ năm 2000.

"Các nước thu nhập thấp và trung bình phải đối mặt với vấn đề 'già trước khi giàu' và không có mạng lưới an sinh xã hội giống như các nước giàu hơn"- TS.BS Hà Anh Đức nói.

TS Đức cũng nhấn mạnh thông tin: Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng hơn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội; Chi phí chăm sóc sức khỏe và các chi phí xã hội khác cao hơn... Hậu quả dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.

Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định số 2324/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó, nêu rõ cần đạt mục tiêu đến năm 2030 của vùng mức sinh thấp là Tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con).

Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng- Ảnh 3.

Các diễn giả tham gia phiên tọa đàm tại hội thảo mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.

Tại hội thảo, TS Hà Anh Đức đã thông tin về dự án Fertility Counts- một sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế và xã hội liên quan đến mức sinh thấp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo đó, bộ công cụ chính sách can thiệp mức sinh cho các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do tổ chức Economist Impact nghiên cứu đã được công bố. Bộ công cụ là một phần quan trọng trong dự án Fertility Counts.

Fertility Counts là một sáng kiến toàn cầu với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, khu vực tư nhân và khu vực công, xem xét các tác động về kinh tế và xã hội của mức sinh đang suy giảm và đặt ra câu hỏi “chúng ta cần phải làm gì với tình trạng này?”

Thông qua Bộ Chính sách sinh sản, dự án đi sâu vào bối cảnh sinh sản ở các nước Châu Á Thái Bình Dương, phân tích dữ liệu toàn cầu để đánh giá những biện pháp can thiệp chính sách hiệu quả nhất trong việc tạo ra một xã hội thân thiện với gia đình, khuyến khích tăng trưởng bền vững.

Dữ liệu cho ta thấy mức tăng trưởng dân số của một quốc gia bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố không chỉ bởi các chính sách y tế hỗ trợ sức khỏe cho trẻ sơ sinh và gia đình nói chung mà còn bởi các chính sách công khác giúp đảm bảo ổn định kinh tế và an sinh xã hội. Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu nghĩ đến những giải pháp chính sách này.

Những điểm mới nào tạo thuận lợi, tăng quyền cho người khám chữa bệnh BHYT?Những điểm mới nào tạo thuận lợi, tăng quyền cho người khám chữa bệnh BHYT?

SKĐS - 5 điểm mới về chính sách BHYT tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, quy định về thủ tục khám chữa bệnh BHYT thuận lợi hơn, thay đổi cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giữa cơ sở y tế và cơ quan BHXH...

Thái Bình/ Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn