Thứ trưởng Bộ Y tế: Vẫn còn hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng

11-05-2023 20:27 | Y tế

SKĐS - Thực tế đã khẳng định vai trò của nhân lực y tế dự phòng, mà nòng cốt là đội ngũ bác sĩ y học dự phòng, làm công tác dự phòng với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng.

Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương tại Hội thảo về Công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực bác sĩ y học dự phòng, do Bộ Y tế tổ chức ngày 11/5 tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Vẫn còn hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nối điểm cầu trung tâm với vài chục điểm cầu đến các trường đại học giảng dạy khối ngành y tế, viện chuyên ngành y học dự phòng, một số bệnh viện, CDC tỉnh, thành phố, trung tâm y tế tuyến huyện.

Vai trò quan trọng của nhân lực y học dự phòng 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ: Thực tế đã khẳng định vai trò của nhân lực y tế dự phòng, mà nòng cốt là đội ngũ bác sĩ y học dự phòng và bác sĩ làm công tác dự phòng đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong những năm qua, Việt Nam đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi như dịch SARS năm 2003, dịch Cúm A/H5N1, H1N1 năm 2009... và đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Có được thành tích trong công tác phòng chống dịch đó, công tác đào tạo nhân lực khối y tế dự phòng đã được chuẩn bị trước, liên tục trong suốt nhiều năm tại các cơ sở đào tạo của ngành y tế trong cả nước.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu rõ thực tế vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ Y học dự phòng như chưa xác định rõ vai trò, vị trí việc làm, chế độ chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ còn thấp so với lĩnh vực khám bênh, chữa bệnh, điều kiện làm việc còn khó khăn, điều này làm cho số sinh viên học bác sĩ y học dự phòng và chọn làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng có xu hướng giảm liên tục trong các năm qua.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Vẫn còn hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Trường Đại học Y Hà Nội.

Theo ông Khương Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, nhân lực y tế dự phòng nước ta hiện có khoảng: 2.204 người làm việc tại tuyến trung ương; 8.637 người làm việc tại tuyến tỉnh (CDC các tỉnh, thành phố); 81.824 người làm việc tại tuyến huyện - ở các trung tâm y tế, bệnh viện huyện; đối với tuyến xã là 57.249 người.

Thiếu 8.075 bác sĩ y học dự phòng

Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế thông tin hiện nay hệ đào tạo nhân lực y tế dự phòng ở nước ta đã đào tạo các trình độ: tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa I, nội trú. Cả nước có 32 trường đào tạo bác sĩ, trong đó có 10 trường đào tạo bác sĩ y học dự phòng.

Về quy mô đào tạo, theo thống kê năm 2022 cho thấy nhân lực bác sĩ y học dự phòng tốt nghiệp chỉ bằng 5% tổng số bác sĩ tốt nghệp; Quy mô tuyển sinh sau đại học ngành y học cổ truyền chỉ đạt 1,3 tổng quy mô tuyển sinh sau đại học các ngành, chuyên ngành lĩnh vực sức khoẻ; Số học viên tốt nghiệp sau đại học chuyên ngành y học dự phòng đạt 0,8% tổng số học viên sau đại học các ngành, chuyên ngành lĩnh vực sức khoẻ.

Ông Quân cho hay, trên thực tế nhu cầu về nhân lực bác sĩ y học dự phòng rất lớn, thế nhưng hiện nay số nhân lực bác sĩ y học dự phòng thiếu 8.075 người... Thế nhưng dù đào tạo 6 năm lại chưa được quy định văn bằng bác sĩ y học dự phòng trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP (tại Điều 15 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù chỉ có bằng: bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học học cổ truyền, bằng dược sĩ).

Thứ trưởng Bộ Y tế: Vẫn còn hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.

Về vấn đề tuyển dụng, sử dụng và quản lý bác sĩ y học dự phòng, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho hay, mặc dù Nghị quyết số 20- NQQ/TW đã xác định "Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, tuy nhiên trong thời gian qua đội ngũ viên chức giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng nói riêng và hệ thống y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; Quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của bác sĩ y học dự phòng còn nhiều bất cập; Chưa có chính sách mạnh nhằm thu hút nhân lực bác sĩ y học dự phòng.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực Y tế dự phòng, các chuyên gia đầu ngành Y tế đã trình bày các báo cáo chuyên đề về: Thực trạng đào tạo, sử dụng bác sĩ y học dự phòng tại Việt Nam; chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, chuẩn năng lực của bác sĩ trong lĩnh vực y học dự phòng; thực trạng cấp chứng chỉ hành nghề, đề xuất phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật cho bác sĩ y học dự phòng; tuyển dụng, quản lý bác sĩ y học dự phòng…

Hội thảo cũng thảo luận về một số vấn đề quan trọng trong lĩnh vực y học dự phòng như: vai trò bác sĩ y học dự phòng trong hệ thống y tế và một số vướng mắc trong tuyển dụng và sử dụng; nhu cầu bổ sung bác sĩ y học dự phòng vào danh mục văn bằng đào tạo đặc thù trong Nghị định 99/NĐ-CP (sửa đổi); phạm vi hành nghề khám, chữa bệnh của bác sĩ y học dự phòng; những nội dung cần được đồng bộ trong Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật khám, chữa bệnh và các văn bản quy phạm liên quan…

Thứ trưởng Bộ Y tế: Vẫn còn hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng - Ảnh 5.

Nhu cầu về nhân lực bác sĩ y học dự phòng rất lớn, thế nhưng hiện nay số nhân lực bác sĩ y học dự phòng thiếu 8.075 người (ảnh minh hoạ)

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các kiến nghị với các cơ quan liên quan nhằm xây dựng văn bản quy định phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ y học dự phòng; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn và xếp bậc lương viên chức theo hướng tiếp thu ý kiến của các địa phương, đơn vị cơ sở phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng trong giai đoạn mới.

Ngày 11/5: Ca COVID-19 tăng lên 2.823, có 2 bệnh nhân tử vongNgày 11/5: Ca COVID-19 tăng lên 2.823, có 2 bệnh nhân tử vong

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 11/5 của Bộ Y tế cho biết có 2.823 ca mắc mới, tăng hơn 300 ca so với hôm qua; Trong ngày có 925 bệnh nhân khỏi; 2 trường hợp tử vong tại Bến Tre và Sóc Trăng.


Thái Bình - ảnh Trần Minh
Ý kiến của bạn