Hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2023 diễn ra hôm nay (24/8) tại TP Cần Thơ. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Đại đa số các tỉnh, thành đã bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các chương trình, đề án về dân số
Hội thảo đã được nghe báo cáo đánh giá công tác Dân số 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 và một số định hướng kế hoạch công tác Dân số năm 2024.
Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đã báo cáo dự thảo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn I Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030".
Qua các báo cáo và tham luận cho thấy công tác dân số thời gian qua và 6 tháng đầu năm tiếp tục được được Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp quan tâm và đạt một số kết quả, cụ thể: ở Trung ương, ngày 7/7/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã có Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong đó có quy định về vi phạm chính sách dân số (điều 52).
Thủ Tướng Chính phủ đã ký quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 11/4/2023 về kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia về Dân số và phát triển do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm trưởng ban.
Tổng cục Dân số đã tham mưu Bộ Y tế ban hanh và và trình cấp thẩm quyền ban hành 12/13 đề án, văn bản quy phạm pháp luật được giao theo Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.
Đối với dự án luật Dân số, hiện ban soạn thảo đang tích cực chính lý, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội vào năm 2024. Tổng cục Dân số cũng đã chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch 2023; hướng dẫn các hoạt động chuyên môn cũng như chủ động xây dựng, triển khai thử nghiêm các mô hình về dân số từ đầu năm để nhân rộng ra toàn quốc trong thời gian tới sau khi đã đánh giá kết quả.
Ở địa phương, đết hết tháng 6/2023, hầu hết các tỉnh/thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực điều chỉnh mức sinh, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đặc biệt đã có 33 tỉnh, thành phố đã xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về chính sách dân số trong tình hình mới. Đại đa số các tỉnh, thành phố đã bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, đề án về dân số đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Kết quả thực hiện chỉ tiêu 6 tháng đầu năm về dân số cho thấy chúng ta đã thực hiện và ước tính đạt 2/3 chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết số 01/NQ-CP; tỉ lệ các chỉ tiêu chuyên môn dự kiến đạt kế hoạch là 50%. Các hoạt động về dân số được triển khai khá đồng bộ ở các tuyến…
Tuy đã đạt được một số kết quả nhưng công tác dân số còn quá nhiều khó khăn, hạn chế như: Chỉ tiêu cơ bản là tổng tỷ suất sinh dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra; 4/8 chỉ tiêu chuyên môn đạt tỉ lệ thấp và dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm nhiều (ở Trung ương kinh phí được cấp năm 2023 chỉ bằng 15% so với bình quân năm trong giai đoạn 2016-2020);
Tổ chức bộ máy, cán bộ ở cả trung ương và địa phương biến động; một số tỉnh, thành phố có chủ trương, có đề án chuyển Chi cục thành phòng Dân số (Quảng Ngãi, Tây Ninh); chế độ đãi ngộ đối với cán bộ dân số chưa kịp thời và tương xứng với nhiệm vụ.
Kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cho thấy nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp và sẽ không đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030.
Phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu về dân số được giao năm 2023
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương ghi nhận và đánh giá sự cố gắng nỗ lực vượt khó của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình; Lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình và cả hệ thống cán bộ làm công tác dân số các cấp. Cùng đó, Thứ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của công tác dân số trong thời gian qua.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về Dân số năm 2023 cũng như cả giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Sở Y tế, Chi cục Dân số các tỉnh/thành phố chỉ đạo, triển khai một số nội dung chủ yếu sau đây:
Đối với Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, trước hết cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tập trung mọi nguồn lực vào việc hoàn thiện thể chế, cụ thể là tập trung chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Dân số để trình Quốc hội năm 2024. Hoàn thiện và trình Ban cán sự Đảng Bộ Y tế cho ý kiến và gửi Chính phủ báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW trong tháng 9/2023. Trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế trong tháng 9 theo chương trình đã đăng ký nhằm tạo cơ sở pháp lý để địa phương bảo vệ, giữ ổn định Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình.
Hai là, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện và trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dân số để sớm ổn định tổ chức cũng như kiện toàn, bổ sung chức danh lãnh đạo Cục còn thiếu. Chủ động tham mưu với Ban chỉ đạo Quốc gia về Dân số và phát triển để xử lý, chỉ đạo những vấn đề trọng tâm, phối hợp liên ngành nhằm thực hiện hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới.
Ba là, tập trung xây dựng và bảo vệ kế hoạch với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về hoạt động và kinh phí cho công tác dân số năm 2023 và các năm tiếp theo, đặc biệt là các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về dân số hằng năm và đến năm 2025 mà Đảng và Chính phủ đã giao.
Bốn là, tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ về dân số trong tình hình mới đối với các địa phương nhằm phấn đấu thực hiện và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu về dân số được giao năm 2023. Chủ động lựa chọn và sắp sếp làm việc với một số tỉnh/thành phố có tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu kế hoạch thấp; tổ chức bộ máy không ổn định, bố trí kinh phí ít để xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương.
Cần thiết ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số các cấp
Đối với Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chưa ban hành cần khẩn trương xây dựng và trình UBND tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt là việc tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách dân số trong tình hình mới; Nghị quyết về nội dung, định mức chi cho các hoạt động về y tế-dân số.
Cùng đó tập trung xây dựng và bảo vệ kế hoạch với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính về hoạt động và ngân sách địa phương đầu tư cho công tác dân số năm 2023 và các năm tiếp theo, đặc biệt là các chương trình, kế hoạch về Dân số đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về dân số của địa phương hằng năm và đến năm 2025.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo, vượt khó của địa phương, tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, hoạt động về truyền thông, điều chỉnh mức sinh, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tâm soát, điều trị bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 được giao.
Tiếp tục chủ động phối hợp với Sở Nội vụ, các sở ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số các cấp, đặc biệt là giữ ổn định mô hình Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế.
"Các tỉnh/thành phố chưa ban hành cần chủ động tham mưu, xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ công chức, viên vhức và nhân viên y tế trong đó bao gồm chức danh dân số vì hiện nay, hệ thống tổ chức dân số đã nhập, trực thuộc hệ thống y tế tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáuvề tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập Ban chấp hành trung ương khoá XII ; Nghị quyết về mức chi bồi dưỡng hằng tháng cho cộng tác viên dân số ở thôn, xóm, bản làng"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh .
Cùng đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể và đặc biệt là việc phát huy vai trò của Ban chỉ đạo công tác Dân số và phát triển các cấp. Tăng cường đào tạo tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra. Quan tâm, động viên, khích lệ toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác dân số khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, vượt khó, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao của ngành trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Y tế.
Quan tâm xây dựng đề án vị trí việc làm, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho viên chức dân số
Để bảo đảm việc giải quyết chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho viên chức dân số ngoài nhiệm vụ chính về công tác dân số còn được phân công nhiệm vụ có yêu cầu trình độ chuyên môn y tế theo quy định của pháp luật, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, rà soát toàn bộ các đơn vị có nhiệm vụ về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình:
- Xây dựng Đề án vị trí việc làm, trong đó mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm về dân số theo hướng dẫn của Thông tư số 03/2023/TTBYT ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế và các văn bản có liên quan về chức danh nghề nghiệp y tế, dân số trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền được phân cấp.
- Kiểm tra, rà soát việc tuyển dụng, sử dụng viên chức theo vị trí việc làm; việc sắp xếp, bố trí, phân công công việc cho viên chức y tế, dân số theo đúng vị trí việc làm:
- Đối với các trường hợp viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp dân số được phân công công việc của vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp y tế khác nếu có đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đó thì xem xét để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm.
- Trường hợp viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp dân số được phân công kiêm nhiệm công việc của vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp y tế khác nếu không có đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đó thì yêu cầu người có thẩm quyền phân công công việc chấn chỉnh lại việc bố trí, phân công công việc cho viên chức không phù hợp với khung năng lực của vị trí việc làm.
- Việc sắp xếp, bố trí, phân công công việc phải đảm bảo đủ nhân lực thực hiện và đáp ứng các nhiệm vụ về y tế, dân số theo quy định.