Ngày 20/10, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine COVID-19. Hội nghị kết nối từ điểm cầu Bộ Y tế đến điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế. Tại các điểm cầu địa phương có đại diện Lãnh đạo UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Đã giám sát, cách ly, khoanh vùng từ sớm, kịp thời ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 2
Về dịch COVID-19, thông tin tại cuộc họp cho biết, tại Việt Nam đến nay đã ghi nhận gần 11,5 triệu ca mắc, gần 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,3%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%).
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Về ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 2 vừa ghi nhận tại TP.HCM, báo cáo của Viện Pastuer TP.HCM cho biết, ca bệnh đã được phát hiện ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhờ hệ thống giám sát chủ động của ngành y tế và đã cách ly, điều trị kịp thời.
Trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ hai này là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 18/10/2022. Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11/10/2022 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nôn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể.
Điều đáng ghi nhận chính là người bệnh này và người bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên (nay đã khỏi bệnh) đã có thời gian ở cùng nhà, sinh hoạt chung và khi biết người bạn có các triệu chứng tương tự, người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) biết để hỗ trợ cách ly chẩn đoán và điều trị.
Người bệnh đã được nhân viên kiểm dịch y tế tiếp cận ngay khi vừa xuống máy bay và đưa về bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cách ly để được chẩn đoán và điều trị.
Theo Sở Y tế TP.HCM, nhờ có sự chủ động ứng phó của ngành y tế và ý thức tốt của người bệnh nên trường hợp đậu mùa khỉ thứ hai này đã được cách ly và xử lý phòng chống lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan trong cộng đồng.
Về dịch bệnh sốt xuất huyết, tại phía Nam dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm, tuy nhiên hiện đang là mùa mưa thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển, nên nguy cơ dịch có thể gia tăng tiếp tục.
Về bệnh do virus Adeno hiện vẫn ghi nhận ca bệnh đến điều trị tại Bệnh viện Nhi TW và một số địa phương.
Không lơ là phòng chống dịch COVID-19, đẩy nhanh tiêm vaccine khi mùa đông xuân đến gần
Qua báo cáo của các địa phương tại cuộc họp cho thấy, tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Cùng với dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, bệnh do virus Adeno gia tăng, xuất hiện ca bệnh cúm A(H5) và đặc biệt là dịch mới nổi như đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan.
Về dịch COVID-19, ngày 19/10, Tổ chức Y tế thế giới vẫn nhấn mạnh dịch bệnh COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp do đó hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh, không được chủ quan lơ là.
Thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, cập nhật đầy đủ kết quả tiêm lên hệ thống tiêm chủng và truyền thông nâng cao trách nhiệm, ý thức người dân, cộng đồng… nhất là khi mùa đông xuân đang đến gần có nguy cơ gia tăng các ca mắc và nhập viện.
Với bệnh đậu mùa khỉ, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh này theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, tập trung giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời. Các Viện trực thuộc Bộ Y tế cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Thứ trưởng yêu cầu Sở Y tế TP.HCM cần tiếp tục giám sát theo dõi, điều tra dịch tễ, điều trị hiệu quả ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai, báo cáo kịp thời Viện đầu ngành trên địa bàn để triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Đối với các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, bệnh do virus Adeno, các địa phương cần tiếp tục tăng cường phòng, chống; đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch, bệnh đến cộng đồng.