Các địa phương cơ bản có xu hướng giảm số mắc COVID-19 trong cộng đồng
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến với 12 tỉnh phía Tây Nam bộ gồm: Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thông tin tại cuộc họp ngày 30/9 cho biết, trong 7 ngày gần đây, 12 tỉnh ghi nhận 2.965 ca (giảm 871 ca so với 7 ngày trước đó), trong đó địa phương giảm nhiều nhất là Tiền Giang (giảm 399 ca), Kiên Giang (giảm 353 ca), Đồng Tháp (giảm 81 ca). Một số địa phương tăng gồm: Sóc Trăng (24), Cần Thơ (18), Vĩnh Long (10).
Về nguy cơ lây lan dịch tại cơ sở y tế, tầm soát trong cộng đồng, trong 1 tuần qua, số mắc tại cơ sở y tế, tầm soát trong cộng đồng tại 12 tỉnh chiếm 20 %, giảm 540 ca so với 1 tuần trước đó. Các địa phương cơ bản có xu hướng giảm số mắc trong cộng đồng.
Tính đến ngày 28/9, tại 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ đã thực hiện tiêm được 3.465.632 / 3.719.400 liều vaccine COVID-19 (đạt 93% so với số vaccine đã tiếp nhận để triển khai tiêm), trong đó đã tiêm được 2.775.892 liều mũi 1 và 689.740 liều mũi 2. Riêng số vaccine 796.200 liều vừa được phân bổ đang được các địa phương tiếp nhận, tiến hành tiêm tại địa phương.
Cơ bản các địa phương đạt tiến độ tiêm chủng đề ra, riêng 4 địa phương có tỷ lệ tiêm thấp hơn, gồm: Hậu Giang (87%), Sóc Trăng (82%), An Giang (82%), Kiên Giang (67%).
Cả 12 địa phương đều đạt từ 15% đến 35% dân số có tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine trên tổng số dân số từ 18 tuổi trở lên tại địa phương, trong đó cao nhất là Tiền Giang (35%), Cần Thơ (31%) và địa phương thấp nhất là Cà Mau (17%), Sóc Trăng (18%), Trà Vinh (18%).
Đối với tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine trên tổng số dân số từ 18 tuổi trở lên cả 12 địa phương trên đạt 4% đến 8%, trong đó cao nhất là Đồng Tháp, Cà Mau, Hậu Giang đều đạt 8% số dân trên 18 tuổi tiêm đủ 2 liều vaccine...
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố có số ca mắc tăng cho biết do thực hiện việc đón công dân từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… về và số mắc này đều ở các các khu vực cách ly, theo dõi sức khoẻ.
Chuẩn bị tiêm chủng vaccine COVID-19 với số lượng lớn; sản xuất phải đảm bảo an toàn
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tại 12 tỉnh Tây Nam Bộ tình hình dịch cơ bản đang từng bước kiểm soát, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và có khả năng bùng phát.
"Do đó các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và thường xuyên xét nghiệm tầm soát phát hiện sớm, xử trí kịp thời"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý trong tháng 10 lượng vaccine sẽ về nhiều, do đó Sở Y tế các tỉnh, thành phố chuẩn bị nhân lực tiêm vaccine đúng đối tượng, đảm bảo tiến độ tiêm…, trong đó ưu tiên tiêm trả mũi 2 cho các trường hợp đã tiêm mũi 1 và mở rộng cho các địa phương nhiều khu công nghiệp, đầu mối giao thương, các khu chế xuất, khu du lịch, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu, sản xuất tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
Cùng đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh Tây Nam Bộ có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động làm việc với các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và các tỉnh lân cận để đưa đón công dân của tỉnh về địa phương khi có nhu cầu và đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Bước vào giai đoạn mới của phòng, chống dịch, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh chủ động triển khai phương án phòng dịch trên các nguyên tắc phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Một số tỉnh An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp không được chủ quan, cố gắng duy trì và trực chiến để kịp thời ứng phó dịch bệnh.
Các địa phương đang kiểm soát tốt dịch cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia. Chuẩn bị 4 tại chỗ, sẵn sàng các tình huống xảy ra. Tăng cường giám sát các đối tượng nguy cơ, khu vực nguy cơ để phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch. Đảm bảo sản xuất kinh doanh phải an toàn.
Tiếp tục tổ chức thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021) đối với các địa bàn nguy cơ rất cao và nguy cơ cao để kịp thời triển khai cách ly, khoanh vùng, điều trị phù hợp đối với địa bàn nguy cơ và bình thường mới.
Các địa phương tổ chức điều trị hiệu quả, giảm tử vong xuống mức thấp nhất. Phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Triển khai các Trạm Y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất. Chuẩn bị sẵn sàng địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ.
Đối với các địa phương đang trong lộ trình nới lỏng việc thực hiện giãn cách cần xây dựng và triển khai theo lộ trình thực hiện việc nới lỏng, phục hồi sinh hoạt và hoạt động kinh tế xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh.
"Nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm có mục tiêu rõ ràng, có kế hoạch, thời gian, phạm vi giãn cách, tận dụng thời gian giãn cách để kiểm soát dứt điểm dịch bệnh"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:
Trường hợp nhiễm COVID-19 nào phải nhập viện?