Đây là những nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế tại hội thảo tăng cường công tác tiêm chủng và phòng chống dịch khu vực miền Bắc với sự tham dự của 28 tỉnh, thành phố do Viện Vệ sinh dịch tễ TW tổ chức ngày 19/8 tại Ninh Bình.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm công tác dự phòng từ trung ương tới cơ sở trong thời gian qua đã nỗ lực cố gắng trong công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và tiếp tục duy trì công tác tiêm chủng mở rộng.
Chạy đua với thời gian quyết liệt đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở nước ta được triển khai thành công, hoàn thành tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%. Trong thời gian qua các địa phương đã rất nỗ lực triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho gần 50 triệu người từ 18 tuổi trở lên đạt 75% đối với mũi 3 và triển khai tiêm liều cơ bản vaccine phòng COVID-19 cho 8,7 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi được tiêm 1 mũi vaccine đạt 78%.
"Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn có nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cho người lớn vẫn còn rất thấp dưới 60% đối với mũi 3 và mũi 4 có tỉnh mới đạt 40%, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi dưới 60% và có nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm chủng mũi nhắc lại cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi ở mức dưới 20%"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, để hoàn thành mục tiêu tiến độ tiêm trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho mỗi người dân và cộng đồng trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Các địa phương cũng cần tăng cường điểm tiêm chủng lưu động tại vùng khó khăn, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỷ lệ thấp.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các khu công nghiệp triển khai tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 cần đạt tỷ lệ cao trên 90% để đảm bảo miễn dịch, duy trì liên tục của công tác sản xuất, phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng đó, ngành y tế các địa phương phối hợp với ngành giáo dục rà soát đối tượng học sinh, tổ chức tiêm vét cho các cháu để hoàn thành tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trước khi vào năm học mới.
Trong công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tại hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông về lợi ích, tính an toàn của mũi tiêm nhắc để các địa phương sử dụng tăng cường truyền thông cho người dân tích cực hưởng ứng tiêm các mũi nhắc vaccine phòng COVID đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Tăng cường quản lý, điều phối vaccine để đảm bảo sử dụng hiệu quả vaccine.
"Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chương trình Tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế tăng cường công tác chỉ đạo, thành lập các đoàn giám sát hỗ trợ các địa phương, hỗ trợ tuyến huyện, xã triển khai thực hiện công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Tiêm chủng mở rộng thấp, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm quay trở lại
TS Đặng Thị Thanh Huyền – Phó Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, trong công tác tiêm chủng mở rộng, đại dịch COVID-19 bùng phát trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến triển khai tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ có thai trên toàn quốc.
Nhiều hoạt động tiêm chủng bổ sung đã không thể triển khai theo kế hoạch, nhân lực y tế, nhân lực tiêm chủng phải ưu tiên cho hoạt động chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, năm 2021 là năm tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp nhất trong nhiều năm qua, chính vì vậy trong nửa đầu năm 2022 bên cạnh việc triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng của năm 2022, các địa phương cũng đã phải nỗ lực tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho các đối tượng của năm 2021 chưa được tiêm chủng đủ mũi.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, thành quả của tiêm chủng vẫn tiếp tục được duy trì, không để xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng nhưng cần phải lưu ý vì với tỷ lệ tiêm chủng các vaccine năm 2021 thấp sẽ là nguy cơ dịch bệnh các bệnh truyền nhiễm như (sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản…) quay trở lại, đặc biệt lưu ý tỷ lệ uống vaccine OPV, tiêm IPV thấp tại nhiều tỉnh thì nguy cơ virus bại liệt hoang dại xâm nhập là hiện hữu.
Chủ động, tăng cường giám sát dịch bệnh; tiêm vét, tiêm bổ sung các vaccine có tỷ lệ tiêm chủng thấp
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, trong bối cảnh dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, một số dịch bệnh truyền nhiễm đang có diễn biến khó lường, đặc biệt là những bệnh có nguy cơ xâm nhập và gây dịch tại Việt Nam.
Từ tháng 5/2022 đến nay dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc lẫn số quốc gia ghi nhận. Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Bênh cạnh đó các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng nhiều nơi cả trong lẫn ngoài nước.
"Để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới đòi hỏi sự chủ động, tăng cường trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là hoạt động giám sát ngăn chặn tại cửa khẩu, phát hiện sớm tại cộng đồng, tại cơ sở y tế và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh. Chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Để có thể bảo vệ được các thành quả đã đạt được, trong những tháng cuối năm 2022, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên, tổ chức các hoạt động tiêm bổ sung các vaccine có tỷ lệ tiêm chủng thấp như uống vaccine bại liệt, tiêm vaccine sởi-rubella, vaccine Td để phòng bệnh bạch hầu…
Triển khai tiêm vaccine Td cho trẻ 7 tuổi tại 13 tỉnh của khu vực miền Bắc theo kế hoạch để phòng bệnh bạch hầu. Hoàn thành triển khai vaccine IPV (vaccine phòng bệnh bại liệt) mũi 2 quy mô nhỏ trong tháng 8, phổ biến rút kinh nghiệm để triển khai trên toàn quốc nhằm bảo vệ vững chắc thành quả thanh toán bệnh bại liệt.
Tăng cường giám sát bệnh, lưu ý các bệnh: Ho gà, sởi, bạch hầu. Giám sát để kịp thời phát hiện nguy cơ xảy ra dịch. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, công tác truyền thông để người dân và cộng đồng tin tưởng, ủng hộ đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.